6 cách chăm sóc người bị viêm phế quản phổi ngay tại nhà

11:25 | 14/11/2024;
Viêm phế quản phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới đặc trưng bởi tình trạng viêm toàn bộ phổi. Loại viêm phổi này thường do vi khuẩn gây ra và chủ yếu gặp ở trẻ em.

Người bị viêm phế quản phổi có thể gặp khó khăn khi thở vì đường thở bị co thắt. Do viêm, nên phổi có thể không nhận đủ không khí. Các triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể nhẹ hoặc nặng. Vậy viêm phế quản phổi là gì? Viêm phế quản phổi và viêm phổi có giống nhau không?

1. Viêm phế quản phổi là gì?

Viêm phế quản phổi là gì? Viêm phế quản phổi có phải là viêm phổi không?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi xảy ra khi vi-rút, vi khuẩn hoặc nấm lây nhiễm và làm viêm phổi. Viêm phế quản phổi là một loại viêm phổi gây viêm các phế nang (túi khí nhỏ) bên trong phổi.

Phế nang là gì? Phế quản là đường dẫn khí lớn nối khí quản với phổi. Sau đó, các phế quản này chia thành nhiều ống khí nhỏ gọi là tiểu phế quản, tạo nên phổi. Các tiểu phế quản là các túi khí nhỏ gọi là phế nang - đây là nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy từ phổi và carbon dioxide từ máu.

Viêm phế quản phổi thường gặp ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do nhiễm trùng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

6 cách chăm sóc người bị viêm phế quản phổi ngay tại nhà- Ảnh 1.

Viêm phế quản phổi là bệnh phổ biến ở trẻ em (Ảnh: ST)

2. Triệu chứng viêm phế quản phổi

Các triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể giống như các loại viêm phổi khác. Tình trạng này thường bắt đầu bằng các triệu chứng giống cúm và có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày. Các dấu hiệu viêm phế quản phổi bao gồm:

- Sốt

- Ho có đờm

- Khó thở

- Đau ngực

- Thở nhanh

- Đổ mồ hôi

- Ớn lạnh

- Đau đầu

- Đau nhức cơ

- Viêm màng phổi hoặc đau ngực do viêm do ho quá nhiều

- Mệt mỏi

- Lú lẫn hoặc mê sảng, đặc biệt là ở người lớn tuổi

6 cách chăm sóc người bị viêm phế quản phổi ngay tại nhà- Ảnh 2.

Dấu hiệu của viêm phế quản phổi (Ảnh: ST)

Các triệu chứng của viêm phế quản phổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh rất khác nhau. Các triệu chứng của viêm phế quản phổi có thể nghiêm trọng hơn nếu bạn thuộc một trong các nhóm nguy cơ cao sau đây:

- Bị suy giảm miễn dịch

- Dưới 5 tuổi.

- Trên 65 tuổi.

- Có các bệnh lý ảnh hưởng đến phổi

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm phế quản phổi

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm phế quản phổi là nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, chẳng hạn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenza type b (Hib), Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli (E. coli), tụ cầu vàng.

Ngoài vi khuẩn, vi-rút và nấm cũng có thể gây viêm phế quản phổi. Một số loại vi-rút phổ biến có thể gây ra tình trạng này như cúm, hợp bào hô hấp (RSV), SARS CoV-2 (vi-rút gây ra COVID-19). Một số loại nấm gây viêm phế quản phổi bao gồm Aspergillus fumigatus.

Một số trường hợp có nguy cơ bị viêm phế quản phổi cao hơn gồm:

- Dưới 2 tuổi

- Trên 65 tuổi

- Hút thuốc hoặc sử dụng rượu quá mức

- Nhiễm trùng đường hô hấp gần đây, chẳng hạn như cảm lạnh và cúm

- Bệnh phổi mãn tính, chẳng hạn như COPD, xơ nang, giãn phế quản và hen suyễn

- Các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như tiểu đường, suy tim, bệnh gan

- Các tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như HIV hoặc một số rối loạn tự miễn dịch

- Dùng thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị, ghép tạng hoặc sử dụng steroid lâu dài

- Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây

4. Cách chẩn đoán viêm phế quản phổi

Viêm phế quản phổi là chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng và phát hiện trên hình ảnh chụp X-quang ngực.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe tiếng thở khò khè và các âm thanh bất thường khác khi thở. Họ cũng sẽ nghe những vị trí trong ngực của bạn mà bạn khó nghe thấy tiếng thở.

Sau đó, một số xét nghiệm có thể được thực hiện như:

- Chụp X-quang ngực

- Công thức máu toàn phần (CBC)

- Chụp CT

- Đo oxy xung

- Nuôi cấy máu hoặc đờm

5. Cách điều trị viêm phế quản phổi

Phương pháp điều trị viêm phế quản phổi bao gồm chăm sóc tại nhà và điều trị y tế theo toa.

- Phương pháp điều trị y tế

Đối với những trường hợp viêm phế quản phổi do vi-rút, bệnh nhẹ có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Hoặc người bệnh có thể kết hợp phương pháp chăm sóc tại nhà và một số loại thuốc làm giảm triệu chứng, chẳng hạn như thuốc long đờm hoặc thuốc kháng vi-rút.

Nếu viêm phế quản phổi do vi khuẩn thì bạn cần sử dụng kháng sinh. Điều quan trọng khi sử dụng kháng sinh là bạn phải dùng hết toàn bộ liệu trình kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát và đảm bảo bệnh khỏi hoàn toàn.

6 cách chăm sóc người bị viêm phế quản phổi ngay tại nhà- Ảnh 3.

Nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn (Ảnh: ST)

- Chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh hơn khi bị viêm phế quản phổi:

+ Nghỉ ngơi nhiều hơn

+ Uống đủ nước trong ngày, đặc biệt nên uống nước ấm

+ Chế độ ăn đủ các khoáng chất và vitamin, ưu tiên các loại thực phẩm như cá, trứng, rau củ quả và trái cây. Tránh các loại thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ và các loại thực phẩm chế biến sẵn.

+ Giữ tinh thần thoải mái

+ Tránh uống rượu, đồ uống có ga và có chứa caffeine

+ Tránh hút thuốc, đặc biệt có trẻ nhỏ

6. Có thể phòng ngừa viêm phế quản phổi không?

Tiêm vắc-xin có thể ngăn ngừa một số dạng viêm phế quản phổi. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) khuyến cáo trẻ em dưới năm tuổi và người lớn trên 65 tuổi nên đi khám bác sĩ để tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm phổi do phế cầu khuẩn, do vi khuẩn gây ra.

Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (ALA) cũng khuyến cáo:

- Tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh khác có thể dẫn đến viêm phổi, chẳng hạn như cúm, sởi, thủy đậu, Hib hoặc ho gà

- Rửa tay thường xuyên để tránh vi trùng

- Không hút thuốc vì thuốc lá làm hỏng khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng của phổi

- Tập thể dục và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường miễn dịch

- Tránh xa những người có biểu hiện sốt, ho có đờm, khó thở

Viêm phế quản phổi có thể dẫn đến áp xe phổi, hình thành các túi chứa đầy mủ ở một vùng của phổi. Đôi khi, nhiễm trùng lan đến khoang màng phổi (khoang chứa đầy dịch bao quanh phổi), làm đầy khoang này bằng mủ (còn gọi là dịch tiết) và hình thành nên mủ màng phổi (một tập hợp mủ). Do đó, khi có các biểu hiện nghi ngờ viêm phế quản phổi, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn