6 cách giúp trẻ đọc chậm tự tin hơn

06:55 | 07/12/2017;
Nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy con biết đọc chậm hơn bạn cùng lứa. Thay vì phiền lòng, các phụ huynh cần giúp trẻ hiểu được rằng, mắc chứng khó đọc không có nghĩa là trẻ kém thông minh.
doc-sach1.jpg

Chứng khó đọc (Dyslexia) gây ra bởi một vấn đề xử lý âm vị học, người mắc chứng khó đọc gặp vấn đề khi về xử lý chữ viết và âm thanh.

Nhiều nghiên cứu của Hội Dyslexia thế giới đã nhận định: chứng khó đọc có thể gặp ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, không phân biệt quốc gia, dân tộc, giàu nghèo, và phổ biến ở trẻ em.

Nó gây cản trở sự phát triển của các kỹ năng ngôn ngữ bao gồm cả lỗi chính tả, viết và đọc. Chứng khó đọc không liên quan đến sự suy giảm trí thông minh của trẻ, nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, kỹ năng tổ chức và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp của trẻ.

4.jpg

Chứng khó đọc không phải là căn bệnh thuộc về sinh lý nên điều trị chứng này không phải bằng thuốc mà bằng các biện pháp tâm lý và giáo dục. Việc phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa để giúp trẻ mắc chứng khó đọc hoàn thành việc học tốt hơn, giúp trẻ trở nên tự tin hơn khi đến lớp, trong giao tiếp,…

Có nhiều cách để khắc phục chứng khó đọc như có sự hỗ trợ từ nhà trường (tìm cách giảng dạy phù hợp với trẻ), hỗ trợ của các chuyên gia (tham gia trị liệu và các bài tập đặc biệt),… Nhưng chắc chắn một yếu tố quan trọng không thể thiếu được trong quá trình này - đó là sự hỗ trợ của cha mẹ.

Nhiều phụ huynh khi thấy con mình khó đọc, tiếp thu chậm thường mắng mỏ, phê bình con - điều này tác động rất lớn đến tâm lý và sự tự tin của trẻ. Cách này cũng khiến hậu quả của chứng khó đọc nặng nề hơn bởi áp lực trong học tập (khi chậm hơn bạn bè) cùng áp lực từ bố mẹ rất dễ dẫn đến những hệ lụy về tâm lý như tự ti, lo âu, trầm cảm,… Từ đó dẫn đến rối loạn hành vi, thậm chí có thể bỏ học…

Kiên nhẫn đồng hành cùng con là một điều vô cùng quan trọng mà bất cứ phụ huynh nào có con mắc chứng khó đọc cần làm.

doc-sach.jpg


Dưới đây là một số cách để phụ huynh giúp trẻ lấy lại sự tự tin rằng, mình có thể viết chữ thành thạo hoặc đọc sách một cách vui vẻ và hào hứng thay vì luôn sợ hãi mỗi lần nhìn thấy các con chữ.

1. Hãy nói chuyện với con về chứng khó đọc một cách cởi mở và tích cực. Luôn luôn khẳng định với con rằng, đó không hề và không bao giờ là một việc đáng xấu hổ, và việc con khó đọc không đồng nghĩa với việc con kém thông minh hơn - chỉ đơn thuần là não bộ của con hoạt động hơi khác mọi người một chút.

Các con sẽ có những khả năng và điểm mạnh mà người khác không có. Phụ huynh có thể tìm đọc cuốn "Lợi thế của chứng khó đọc" của Brock và Fernette Eide.

2. Hãy giúp con tìm ra loại sách nào con thích nhất bởi chẳng có gì là khó khăn nếu tìm thấy niềm vui trong đó.

3. Chọn những cuốn sách mà mạch truyện không quá chậm hay dài dòng lê thê. Quá nhiều miêu tả và không có hành động nào nổi bật lôi kéo sự chú ý sẽ khiến con dần mất tập trung và chán nản.

4. Thay vào đó, hãy chọn những mẩu truyện ngắn, có hình ảnh sinh động minh họa càng tốt - điều này có thể giúp trẻ tập trung hơn vào câu chuyện.

5. Trong khi đọc và sau khi đọc xong, hãy thảo luận với con về cuốn sách. Hỏi xem con thích điều gì và không thích điều gì - điều này có thể thu hẹp phạm vi lựa chọn sách cho lần tiếp theo.

6. Kích thước font chữ hay màu nền có thể là vấn đề với một số trẻ. Sử dụng chữ viết tay hoặc một thiết bị điện tử chuyên dụng để giúp trẻ tìm ra được kiểu chữ phù hợp cũng là một hướng giải quyết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn