1. Chọn một ngân hàng không thuận tiện
Chúng ta thường hướng mọi điều đến với sự thuận tiện. Thật tuyệt khi bạn có thể thực hiện tất cả các giao dịch ngân hàng ở một nơi, đặc biệt với người thích các giao dịch ngân hàng trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự thuận tiện này cũng dễ khiến chúng ta bị cám dỗ bởi việc tiêu tiền khi việc rút tiền, thanh toán bằng thẻ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thậm chí, việc dễ dàng tiếp cận các khoản tiền tiết kiệm cũng khiến chúng dễ bị tất toán trước hạn hơn.
Vì vậy, mẹo tiết kiệm ở đây chính là hãy tạo nên thách thức cho chính mình trong việc tiếp cận số tiền đó. Đó có thể là gửi tiền tiết kiệm ở một ngân hàng khác với nơi bạn mở thẻ chi tiêu hằng ngày, chọn những ngân hàng không có nhiều cây rút tiền thuận tiền, một ngân hàng tính phí cho việc rút tiền hoặc bất kỳ điều gì khác khiến bạn phải cân nhắc nhiều hơn mỗi khi chi tiêu.
2. “Miệt mài” trả nợ
Điều chúng ta cần làm ở đây chính là trả hết nợ vẫn tiếp tục “trả nợ”, chỉ khác điều “chủ nợ” là chính mình.
Nếu cuối cùng bạn đã trả xong khoản nợ mua nhà, mua xe hay nợ sinh viên, đừng bị cám dỗ vào vòng xoáy chi tiêu, lạm phát lối sống rồi sa đà vào khoản nợ mới. Thay vào đó, hãy chuyển khoản tiền bạn vẫn trả nợ hằng tháng trước đây sang tài khoản tiết kiệm. Với mẹo tiết kiệm tiền này, mức sống của bạn không bị thay đổi nên bạn sẽ không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong ngân sách của mình nhưng cuối kỳ tiền tiết kiệm tăng lên trông thấy.
3. Quy tắc 1 phần 3
Bạn vừa nhận được một khoản tiền như phần thưởng, quà tặng hay khoản hoàn thuế… Hãy áp dụng quy tắc 1 phần 3 cho khoản tiền này như sau: Chia khoản tiền đó thành 3 phần, 1 phần để tiết kiệm, 1 phần để giảm nợ và 1 phần cuối để dành điều gì đó tuyệt vời cho bản thân.
Đừng cố ép bản thân tiết kiệm toàn bộ bởi điều này sẽ khiến bạn cảm thấy tiết kiệm là điều gì đó thực sự khổ sở. Bạn cũng không nên tự thưởng cho mình tất cả khoản đó vì tiền bạc sẽ mở ra cho chúng ta nhiều sự lựa chọn hơn trong cuộc sống này. Quy tắc 1 phần 3 sẽ giúp bạn cân đối cách chi tiêu, phân bổ một khoản tiền nằm ngoài kế hoạch cho quá khứ (trả nợ), cho tương lai (tiết kiệm) và cho hiện tại (tự thưởng).
4. Viết ra trước khi mua
Nếu bạn muốn mua thứ gì đó, hãy viết nó ra giấy. Cho dù đó là một đôi giày mới, một chiếc túi hay một món đồ gia dụng, việc viết ra giấy đều sẽ phát huy tác dụng. Sau khi viết ra và chờ đợi vài ngày, bạn sẽ bình tĩnh hơn để nhận ra liệu mình có thực sự cần món đồ đó hay chỉ là thấy hay ho và muốn sở hữu.
Thủ thuật này hướng đến việc giúp bạn không mua hàng bốc đồng. Với các khoản chi tiêu càng lớn, bạn càng nên để thời gian chờ dài hơn. Nếu sau một, hai tuần hoặc dài hơn đối với các khoản chi lớn, bạn vẫn suy nghĩ về món đồ đó và thấy nó rất cần cho cuộc sống của mình, hãy tìm kiếm một chút để mua được với giá tốt.
5. Biến tiết kiệm thành một trò chơi
Nếu bạn luôn nghĩ tiết kiệm gắn liền với sự kham khổ, điều đó sẽ ám ảnh tâm trí bạn. Tiết kiệm hoàn toàn có thể trở nên thú vị và đi vào cuộc sống của bạn như một phần không thể thiếu.
Biến tiết kiệm thành một trò chơi là ý tưởng tốt giúp bạn đưa tiết kiệm đến gần hơn với cuộc sống của mình. Bạn có thể thực hiện việc tiết kiệm trong 100 ngày với số tiền tiết kiệm từ 1 đến 100 nghìn đồng. Mỗi ngày, bạn sẽ lựa chọn một con số để tiết kiệm và đảm bảo không trùng nhau trong suốt 100 ngày đó. Kết thúc kỳ tiết kiệm, bạn đã có 5,05 triệu đồng tiền tiết kiệm.
Bạn cũng có thể rủ bạn bè, người thân cùng thực hiện các trò chơi tiết kiệm để có động lực hơn. Đó có thể là bỏ vào lợn số tiền tiết kiệm mỗi ngày bằng đúng nhiệt độ ngày hôm đó hoặc tiết kiệm bất cứ tờ 20 nghìn đồng nào bạn nhận được (mệnh giá tiền bao nhiêu là hoàn toàn do bạn chọn). Đó cũng có thể là thử thách 7 ngày (tăng dần số ngày sau khi bạn đã làm quen) không chi tiêu bất kỳ khoản tiền nào trừ các khoản cần thiết như hàng tạp hóa, tiền thuê nhà, tiền điện nước…) Luôn có rất nhiều cách sáng tạo để tiết kiệm tiền.
6. Giảm chi phí định kỳ để tiết kiệm tiền
Hãy cắt giảm chi phí của bạn bằng cách kiểm tra tài khoản ngân hàng hằng tháng, xem bảng sao kê để biết đâu là khoản phí định kỳ mà bạn không muốn hoặc không cần nữa. Đó có thể là thẻ thành viên phòng tập đã lâu bạn không đến, các dịch vụ tự gia hạn trên điện thoại di động, đăng ký mua tạo chí, dịch vụ truyền hình cáp dù lâu rồi bạn không bật tivi…
Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian, bạn sẽ có được danh sách những thứ mình có thể hoàn toàn cắt bỏ hoặc giảm quy mô sử dụng, chuyển sang gói cước phù hợp với chi phí thấp hơn. Bạn cũng có thể chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp mới để được nhận nhiều ưu đãi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn