6 chiêu ‘dụ’ trẻ đọc sách tránh smartphone khi hè cận kề

09:10 | 24/04/2018;
"Chứng" nghiện game, ham smartphone của các "thiên thần nhỏ" là nỗi ám ảnh, mất ăn mất ngủ của nhiều ông bố, bà mẹ, nhất là vào dịp nghỉ hè. Làm thế nào để giúp con có kỳ nghỉ bổ ích, lành mạnh?

ThS Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình kỹ năng Mỹ tại hệ thống Giáo dục quốc tế cho trẻ - City Smart, chia sẻ với PNVN 6 cách sau đây giúp trẻ nhanh chóng nhập cuộc và khuyến khích trẻ đọc sách nhiều hơn:

ThS Nguyễn Thu Hương: “Mỗi quyển sách có thể sẽ trở thành người bạn đồng hành của trẻ" 

1. Bố mẹ làm gương: Nếu gia đình có truyền thống đọc sách, trong gia đình có những giá sách hấp dẫn thì đã thu hút được phần nào sự chú ý và học hỏi của trẻ nhỏ rồi. Thông thường, trẻ rất thích bắt chước người lớn. Vì vậy, nếu muốn trẻ đọc sách, chúng ta cần bắt đầu từ chính bản thân mình.

2. Đọc sách cùng con và kể cho con nghe những điều thú vị về sách: Khi trẻ chưa biết giá trị của sách mà bắt trẻ đọc sách thì trẻ sẽ không hợp tác. Hiện tại, sách dành cho trẻ em rất phong phú, được thiết kế rất đẹp và thu hút. Mỗi khi lựa chọn một quyển sách, hãy nói cho trẻ nghe về những điều lý thú quyển sách đó mang lại cho con. Chúng ta cũng nên dành thời gian để cùng trẻ đọc sách. Mẹ đọc con nghe hoặc ngược lại, con đọc mẹ nghe. Làm phong phú các hình thức đọc sách như đọc - kể lại - đố vui- đóng kịch - tổ chức trò chơi liên quan,…Chắc chắn trẻ sẽ rất hào hứng.

3. Cho con được quyền lựa chọn: Thay vì chúng ta mang về cho trẻ những quyển sách và ra lệnh: “Con hãy đọc đi vì sách này rất hay” thì hãy cho trẻ cơ hội để tới nhà sách, cùng lựa chọn những quyển sách mà trẻ thích. Khi trẻ đã hào hứng đọc những quyển mà trẻ tự lựa chọn thì trẻ cũng dễ dàng đọc những quyển sách mà mình chọn cho trẻ hơn. Vì lúc đó, chúng ta biết được trẻ thích đọc những loại sách như thế nào.

4. Cho trẻ lựa chọn thời gian đọc sách trong ngày: Gia đình nên đưa ra những quy định. Việc đọc sách cũng vậy. Tuy nhiên, quy định này có thể nhường cho con là người được đưa ra và có sự thống nhất giữa các thành viên trong gia đình. Thường thời gian đọc sách có thể sau khi ăn cơm hoặc trước khi đi ngủ. Tùy thuộc vào độ tuổi của từng bé mà đưa ra giới hạn thời gian, có thể là 5 phút, 10 phút hay 30 phút. Khi trẻ đã hào hứng thì có thể tăng thời gian lên.

5. Tạo góc/giá sách trong gia đình: Hãy cùng con trang trí cho giá sách của gia đình hoặc của riêng con. Con sẽ rất hãnh diện với góc nhỏ này của mình và sẽ chăm chút cho những quyển sách của mình tốt hơn.

6. Hãy bình tĩnh và kiên trì: Khi bố mẹ đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thấy trẻ hào hứng với việc đọc sách thì hãy thật bình tĩnh và kiên trì. Đừng cố gắng ép trẻ vì điều này có thể có tác dụng ngược - làm trẻ ghét sách. Bằng các bước nhẹ nhàng và những khích lệ tích cực, dần dần trẻ sẽ đam mê và có thể trở thành những con “mọt sách” lúc nào không hay.

Tuy nhiên, để trẻ “nhập cuộc” vào việc đọc sách thì không thể dùng từ “nhanh chóng” được. Bởi, đối với trẻ, để đam mê với sách thì cần cả một quá trình và trong quá trình này cần có sự đồng hành của bố mẹ rất lớn. 

Các ông bố, bà mẹ nước ngoài thường đọc sách cùng con mọi lúc mọi nơi từ khi trẻ còn rất nhỏ 

‘Bí kíp’ của các bà mẹ Mỹ, Anh, Do Thái giúp trẻ mê đọc sách

ThS Nguyễn Thu Hương cũng đưa ra một số kinh nghiệm khuyến khích trẻ đam mê đọc sách của các ông bố, bà mẹ ở các nước như Anh, Mỹ, cụ thể như: Các ông bố, bà mẹ ở các nước này thường quan tâm tới việc dạy trẻ yêu sách từ khi còn nhỏ. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các ông bố, bà mẹ đã đọc sách, kể chuyện, hát ru cho con nghe. Và khi em bé chào đời, ngay cả khi chưa biết xem tranh, đọc chữ, chưa hiểu hết ý nghĩa của câu chuyện, họ cũng dở từng trang sách và đọc cho con vì họ tin rằng, ngoài việc giúp trẻ lớn lên sẽ đam mê với sách thì còn giúp cho quá trình học nói của trẻ được tốt hơn. 

Bên cạnh đó, họ cũng thường xuyên đưa trẻ đến thư viện. Khi tới đây, không những có không gian phù hợp mà còn có rất nhiều bạn nhỏ khác cũng đang đọc sách và điều này sẽ khích lệ trẻ rất nhiều.

Đặc biệt, người Do Thái còn có “lễ hôn sách ngọt”. Trong ngày đầu tiên trẻ tiếp xúc với sách, bố mẹ sẽ nhỏ một giọt mật ong vào sách và cho trẻ ngửi, nếm. Bằng cách này, họ dạy trẻ rằng sách rất ngọt ngào. Với họ, ấn tượng ban đầu với trẻ rất quan trọng và nó có thể theo chúng, lớn dần lên mỗi ngày.

Điều đặc biệt nữa của người Do Thái là đối với họ, sách là tài sản vô giá. Bằng chứng là khi cháy nhà, thứ họ sẽ mang theo là sách và đây cũng là tài sản mà bố mẹ thường để lại cho con cái. Và đây cũng là minh chứng cho thấy tỉ lệ đọc sách của người Do Thái hiện đứng đầu thế giới. 

Sách kỹ năng được quan tâm hơn

Khuyến khích trẻ đọc sách kỹ năng làm giàu kỹ năng sống, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn
 

Một điều dễ nhận thấy là tại một số hội chợ sách nhân dịp Ngày sách Việt Nam (21/4/2018), sách kỹ năng đã được phụ huynh quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, mảng sách mới mẻ này vẫn còn giữ vị trí khiêm tốn trên các kệ của các gian hàng. Để phát triển mảng sách này, ThS Nguyễn Thu Hương cũng cho rằng:

- Các phụ huynh nên đầu tư đọc sách nhiều hơn cho bản thân và cho trẻ, đặc biệt là mảng kĩ năng vì đây chính là những giá trị, bài học được chắt lọc, truyền tải một cách hiệu quả nhất với chi phí rẻ nhất.

- Trường học nên bổ sung thêm sách về mảng kĩ năng để trẻ có cơ hội đọc sách nhiều hơn, có cơ hội tiếp cận, thậm chí các trường có thể tổ chức định kì đọc sách kĩ năng hàng tuần/tháng hoặc quý để trẻ tự đọc sách, tự rút ra bài học với sự định hướng và giúp đỡ của các thầy cô giáo.

- Các nhà xuất bản sách tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giới thiệu các đầu sách kỹ năng ý nghĩa cho các gia đình, trường học.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn