Rửa tay nhiều lần với mục đích tiêu diệt virus, loại bỏ nguy cơ nhiễm Covid-19 là điều hoàn toàn tốt, nhưng "việc gì quá cũng sẽ có tác dụng phụ". Với tình hình dịch bệnh như hiện tại, thói quen rửa tay hay sát khuẩn là điều cần thiết và không thể thay thế, vì thế mà bạn cần có cách chăm sóc bàn tay của mình hợp lý sau khi vệ sinh sạch sẽ.
Bản chất cửa nước rửa tay hay dung dịch sát khuẩn là có chứa chất tẩy rửa, vì thế mà nếu tiếp xúc với chất "làm sạch" này thường xuyên có thể khiến bạn gặp các vấn đề về tay như da tay bị khô hay viêm da bàn tay (bệnh chàm).
Cơ chế gây bệnh là do lớp protein ở phía trên của lớp biểu bì đã bị các chất tẩy rửa làm hỏng, từ đó gây ra những sự thay đổi có hại như lipit hay lớp chất béo ở da, khiến cho những tế bào da bị dính vào nhau và khả năng liên kết nước bị suy giảm hay còn gọi là khô, nẻ da.
Nếu nặng hơn, bàn tay của bạn có thể bị mẩn đỏ, sần sùi, đóng vảy do hệ vi sinh vật trên da bị thay đổi từ đó tăng nguy cơ nhiễm khuẩn thứ cấp, chẳng hạn như sự lây nhiễm của vi khuẩn Staphylococci. Lúc này bạn có thể cảm thấy bàn tay bị nóng rát hay ngứa ngáy khó chịu; thậm chí là phồng rộp hay đau.
Tình trạng viêm da tiếp xúc kích thích (irritant contact dermatitis) có thể xảy ra ở những người có tiền sử bệnh chàm hay đang làm việc trong những môi trường cần phải rửa tay hay tiếp xúc với hoá chất có chất tẩy rửa như thợ làm tóc, người làm trong khu công nghiệp,...
Những ngày gần đây, phòng khám của Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận những ca bị kích ứng da do sử dụng dung dịch sát khuẩn và nước rửa tay nhiều lần trong ngày khiến làn da sần sùi, bong tróc, nứt nẻ đến chảy máu tay.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện tại, việc rửa tay sát khuẩn thường xuyên là điều bắt buộc. Vì thế mà Bác sĩ Anjali Mahto, Hiệp hội Da liễu Anh đã chỉ ra 6 nguyên tắc cần nhớ để bảo vệ đôi tay luôn khoẻ mạnh sau khi bạn thực hiện "phòng dịch" theo đúng khuyến cáo của WHO và Bộ Y Tế.
**Rửa tay là điều cần thiết nhưng bạn đã biết rửa tay đúng cách chưa?
Để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm như Covid-19 mà da tay vẫn khoẻ mạnh, đặc biệt là đối với những người đang bị các bệnh lý như viêm da cơ địa mãn tính, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TPHCM khuyên rằng:
- Bạn không nên rửa tay trong thời gian quá lâu (đủ là được)
- Không nên rửa tay với nước quá nóng
- Trong khi rửa không nên chà sát tay quá mạnh
- Sau khi rửa tay xong nên lau khô lại với khăn mềm.
Dưới đây là 6 lời khuyên của Bác sĩ Anjali Mahto, Hiệp hội Da liễu Anh:
Luôn mang theo kem dưỡng ẩm
Bạn nên lựa chọn kem dưỡng ẩm không có hương liệu tổng hợp, mùi thơm hắc vì có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da.
Chọn rửa tay bằng nước rửa tay chống vi khuẩn như Dermol 500
Bạn có thể chiết tách một lượng nhỏ để mang ra ngoài và sử dụng trong ngày. Loại nước rửa tay này khá phù hợp với những người bị viêm da.
Đeo găng tay trước khi đi ngủ vào ban đêm
Sau khi bôi kem dưỡng ẩm bạn có thể đeo găng tay vào và đi ngủ, để như vậy qua đêm để làn da của bạn được cấp nước trở lại.
Mang bao tay khi rửa bát hay phải tiếp xúc với hoá chất tẩy rửa
Đeo găng tay trong thời gian càng ngắn càng tốt, lý tưởng là không quá 20 phút vì mồ hôi có thể làm viêm da nặng hơn.
Mang găng tay khi ra ngoài
Trong điều kiện thời tiết lạnh bạn nên mang găng tay khi ra ngoài để da tay không phải tiếp xúc với không khí lạnh gây khô tay hay nứt nẻ.
Lưu ý:
Găng tay mà bạn sử dụng cần phải luôn sạch sẽ và phải khô ráo, không bị thủng hay rách. Lựa chọn chất liệu từ PVC hoặc loại găng tay nitrile dùng một lần vì chúng ít gây dị ứng. Nếu tay bạn bị đổ mồ hôi nhiều có thể dùng găng tay có lót nỉ hoặc bông để thấm mồ hôi bên trong.
Găng tay cũng cần làm sạch thường xuyên bằng nước ấm ít nhất là vài lần trong một tuần.
Nếu da bị ngứa hoặc chảy máu, hãy tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ da liễu
Khi bệnh chàm tay trở nên nghiêm trọng hơn bạn cần có sự can thiệp của bác sĩ da liễu. Tuỳ thuộc vào tình trạng của bạn mà bac sĩ có thể cho bạn điều trị một đợt steroid ngắn và mạnh để giảm viêm và giúp da nhanh lành lại.
Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo: TS.BS Nguyễn Tuệ Anh lược dịch từ nghiên cứu của bác sĩ Anjali Mahto, Hiệp hội Da liễu Anh.
Cập nhật thêm những lời khuyên hữu ích khác của chuyên gia TẠI ĐÂY.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn