Ghi nhận diễn biến các mã cổ phiếu ngành dược phẩm trong thời gian qua cho thấy, đa số các mã đều có mức tăng đáng kể từ thời điểm trước khi báo cáo tài chính (BCTC) quý II được công bố.
Đáng chú ý nhất là mức tăng mạnh của cổ phiếu DMC (công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, niêm yết sàn chứng khoán HOSE) vẫn được duy trì từ thời điểm trước khi công bố BCTC tới nay.
Tính hết phiên 23/8, DMC đạt mức 68.000 đồng/cổ phiếu. Đây là kết quả 5 phiên liên tiếp tăng mạnh của cổ phiếu này kể từ ngày 16/8.
BCTC cho thấy, tình hình kinh doanh quý 2, công ty thu về 399,7 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 805,3 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả, dù lợi nhuận quý 2 có giảm nhẹ nhưng tổng 6 tháng đầu năm, lợi nhuận vẫn tăng thêm 800 triệu đồng.
DVN (Tổng Công ty Dược phẩm Việt Nam, UPCOM) cũng ghi nhận biến động tích cực tại sàn với thị giá chốt phiên giao dịch ngày 23/8 là 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng 5,8% so với phiên trước đó. Từ cuối tháng 7 đến nay, DVN luôn duy trì mức dao động từ 18.000 đến 21.500 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh quý 2/2023 của DVN gây bất ngờ khi báo lãi đạt 160 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm trước với mức lỗ 11 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của DVN tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng báo lợi nhuận tăng mạnh, IMP (CTCP Dược phẩm Imexpharm, HOSE) ghi nhận lãi quý 2 tăng 71%, đạt 80 tỷ đồng, doanh thu tăng 24%. Giải trình cho biến động lợi nhuận, công ty cho biết nhờ vào mở rộng thị trường và cơ cấu lại danh mục sản phẩm bán ra, tập trung vào sản phẩm chủ lực có giá trị và biên lợi nhuận cao.
Tại sàn giao dịch chứng khoán, mã cổ phiếu IMP hiện đang có giá 68.300 đồng/cổ phiếu.
DHG (CTCP Dược Hậu Giang) của nữ tướng Đặng Thị Thu Hà báo lợi nhuận tăng 11,9% so với quý 2/2022, doanh thu tăng 3%, lần lượt cán mốc 263 tỷ đồng và 1.153 tỷ đồng. Hiện, mã cổ phiếu DHG ở mức 113.800 đồng/cổ phiếu, thị giá cao nhất trước đó của năm 2023 ghi nhận là 139.600 đồng/cổ phiếu trong phiên 20/7.
Ngoài ra, DHT (CTCP Dược phẩm Hà Tây, HNX) và DBD (CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định, HOSE) báo doanh thu và lợi nhuận quý 2 tăng, dao động từ 20% - 35%. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu hai công ty này duy trì ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Sau khi trải qua đại dịch COVID-19, Cục quản lý Dược – Bộ Y tế đã đưa ra các thông tư và văn bản giúp doanh nghiệp dược tháo gỡ khó khăn và đảm bảo sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế cũng không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu tại đơn vị y tế công lập.
Theo chứng khoán Bảo Việt, Nghị quyết số 07 và Nghị quyết số 30 được Chính phủ ban hành vào tháng 3 đã phần nào giải quyết khó khăn trước mắt cho bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là trong hoạt động mua sắm đấu thầy và gia hạn giấy lưu hành thuốc. Từ đó, doanh thu kênh phân phối ETC (kênh phân phối vào bệnh viện) tăng lên.
Cùng với nhận định trên, CTCP Dược phẩm Imexpharm cho biết, nửa đầu năm, kênh ETC đã có mức tăng trưởng ấn tượng 118% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% doanh thu. Điều này đã chứng minh cho sự góp phần của giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầy thuốc và vật tư từ cơ quan quản lý.
Do mức độ bị ảnh hưởng bởi kinh tế suy thoái sẽ thấp hơn các ngành khác bởi đây là khoản chi khó có thể cắt bỏ, ngành dược được dự đoán tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số khá nhanh, vì vậy, người dân ngày càng quan tâm đến dịch vụ y tế, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 hoành hành trong vài năm trước. Chính phủ cũng đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe dễ dàng tiếp cận hơn với giá cả hợp lý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn