6 giải pháp giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông mới

19:28 | 27/12/2018;
Giảm số môn học, tiết học, giảm kiến thức kinh viện hay tăng dạy học phân hóa, tự chọn… là những giải pháp sẽ được chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng nhằm giảm tải chương trình học hiện hành.

Hiện tượng “quá tải"

Những nội dung này được công bố tại họp báo thông tin về ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT vào chiều nay, 27/12.

Theo Bộ GD&ĐT, từ nhiều năm trước, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải”. Hình ảnh ví von quen thuộc là chiếc cặp sách quá khổ của học sinh tiểu học. Chương trình học được cho là nặng về lý thuyết, thi cử dày đặc tạo sức ép học hành với học sinh từ tiểu học đến THPT.

Dù Quốc hội đã sửa đổi Luật giáo dục, bỏ các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học nhưng thực tế cho thấy việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình phải giảm tải nhiều hơn nữa.

GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, đã cung cấp một thông tin khá thú vị rằng, thười lượng học của học sinh Việt Nam thực chất chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Nội dung học tập của học sinh VN, trừ một vài trường hợp cá biệt, cơ bản cũng không cao hơn các nước.

img_7018.jpg
GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thông tin tại buổi họp báo công bố chương trình phổ thông mới chiều 27/12. Ảnh: D.H

“Ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đổ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ, mỗi tháng đọc tối thiểu 20 cuốn. Từ lớp 1- 4, mỗi năm học sinh bang California, Hoa Kỳ phải đọc số lượng sách tương đương 5.000 từ…” - GS Nguyễn Minh Thuyết đưa thông tin.

Theo ông, việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải do nhiều nguyên nhân như: Nội dung giáo dục nặng lý thuyết, nhiều nội dung không thiết thực, không gây hứng thú cho các em. Phương pháp dạy thì nặng về thuyết trình, không phát huy sự khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức. Học thì nặng mà thi cũng lắm nên học sinh lại càng học nhiều.

“Cũng phải kể đến việc do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường khiến các con mệt mỏi và căng thẳng triền miên” – ông Thuyết cho hay.

Kỳ vọng giảm tải ở chương trình mới

Tại buổi công bố chương trình phổ thông mới vào chiều 27/12, Bộ GD&ĐT đồng thời chỉ rõ 6 giải pháp sát sườn nhất để giảm tải, thông qua chương trình mới.

Giảm số môn học: So với chương trình hiện hành, lớp 1, 2, 3 có 10 môn học và lớp 4, 5 có 11 môn học thì chương trình mới đã giảm số môn thành: Lớp 1, 2 có 7 môn học, lớp 3 có 9 môn học và lớp 4, 5 có 10 môn học.

Với cấp THCS, chương trình mới có 12 môn học. Trong khi đó, chương trình hiện hành có lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học, lớp 8 và 9 có 17 môn học.

Với cấp THPT, chương trình mới có 12 môn học. Trong khi đó, ở chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có đến 16 môn học, lớp 12 có 17 môn học.

dt_912018153_a1.jpg
Ảnh minh họa

Giảm số tiết học: Tổng số giờ học cấp tiểu học ở chương trình mới là 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Dù tổng số giờ học tăng lên nhưng chương trình mới lại tăng buổi học lên 2 buổi/ngày nên tính trung bình, học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi. So với chương trình hiện hành học một buổi, học sinh tính ra học đến 2,7 giờ/lớp/buổi. Số giờ học cũng giảm tải đáng kể ở cấp THCS và THPT.

Giảm kiến thức kinh viện: Chương trình mới cam kết lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, theo đó tùy từng giai đoạn học tập sẽ lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.

Tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn: Tổng thể chương trình mới cho thấy đây là chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn nội dung phù hợp nguyện vọng, sở trường, tạo sự hào hứng trong việc học.

Thực hiện phương pháp dạy học mới: Phương pháp dạy học tích cực sẽ là phương pháp chủ đạo ở chương trình mới, theo đó học sinh tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng và đời sống. Thầy cô giáo thay vì truyền thụ sẽ là người hướng dẫn học sinh, đồng thời có quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học linh hoạt.

Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục: từ việc thay đổi cách đánh giá, nội dung đánh giá, việc công bố kết quả đánh giá theo Bộ GD&ĐT sẽ có những cải tiến nhằm đảm bảo độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học.

“Giải pháp giảm tải thì đã có, nhưng để thực hiện hiệu quả, nhà trường và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm. Các bậc cha mẹ cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường” – GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn