6 giải pháp phòng chống bạo lực gia đình với trẻ em

22:10 | 21/07/2016;
Đó là 6 giải pháp cụ thể mà Hội LHPN Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian tới để phòng chống hiệu quả bạo lực gia đình (BLGĐ) đối với trẻ em.
Chiều ngày 21/7/2016, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo “Hậu quả của bạo lực gia đình đối với trẻ em”. Đây là một diễn đàn quan trọng cung cấp các thông tin cần thiết xung quanh vấn đề này để có cơ sở đề xuất chính sách, tổ chức các hoạt động phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ, đảm bảo cho trẻ em được sống trong ngôi nhà an toàn của mình.
2.jpg
 Hãy để trẻ em được an toàn trong ngôi nhà mình (Ảnh minh hoạ)
Tham gia hội thảo có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư Pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Quỹ Dân số thế giới, Hội LHPN Bắc Ninh, Lạng Sơn, nhiều chuyên gia làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Các tham luận vừa phân tích, đánh giá thực trạng bạo lực gia đình đối với trẻ em ở Việt Nam, vừa chỉ ra các nguyên  nhân dẫn tới tình trạng đó, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực gia đình tác động mạnh mẽ đến sức khoẻ thể chất, tinh thần của trẻ em một cách lâu dài và khó xoá.

Hội LHPN Việt Nam xác định, trong thời gian tới tập trung vào 6 giải pháp phòng chống BLGĐ với trẻ em. Một là nâng cao nhận thức của xã hội, tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em. Chú trọng hỗ trợ cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Hai là tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em.  Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác Đoàn, Đội, Hội. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Ba là tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em gắn với triển khai thực hiện CVĐ xây dựng gia đình 5 không 3 sạch của Hội. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được. Nó có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em. Không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.

Bốn là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em bằng việc thực hiện chương trình Giáo dục nuôi dạy con tốt. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình,  dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài môi trường gia đình, xây dựng, cung cấp các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Phối hợp với Bộ LĐTBXH thí điểm xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ.

Năm là phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật vệ bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em.

Và sáu là tiếp tục thực hiện đề án 404, tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
chi-hoa.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định, hội thảo này sẽ mở màn cho việc tạo mạng lưới kết nối để theo đuổi vấn đề này, không nản trước khó khăn, chia sẻ thông tin với nhau, từ đó có các tham vấn chính sách, xây dựng đề án để phòng chống hiệu quả tình trạng bạo lực gia đình đối với trẻ em ở Việt Nam. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn