Lời tỏ tình "bá đạo"
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1968) người phố cổ Hà Nội. Ông bà làm nghề buôn bán, bố mẹ là cán bộ trong cơ quan nhà nước nên điều kiện kinh tế khá giả, cuộc sống của chị Hạnh sung túc từ nhỏ. Ai cũng nghĩ, cô gái phố hiện đại, xinh xắn, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, làm cô giáo như chị Hạnh chắc sẽ chọn một anh chàng cũng là trai phố, điều kiện gia đình "môn đăng hộ đối" làm chồng.
Trong đám cưới của một người bạn năm 1991, chị Hạnh và anh Nguyễn Hữu Chí (SN 1960) tình cờ quen nhau. Lúc đó, chị Hạnh đang là giáo viên dạy Anh văn ở một trường cấp hai, còn anh Chí là giảng viên của trường Đại học Luật Hà Nội. Anh hồi trẻ người nhỏ bé, đen, gầy, hơn chị 8 tuổi nên mới gặp, hình ảnh anh chỉ thoáng qua chứ chẳng để lại nhiều ấn tượng trong chị.
Anh chị gặp nhau lần thứ hai vào dịp lễ Quốc khánh, khi cả nhóm cùng đi chơi chung. Sau lần ấy, anh quyết tâm… tán chị. Biết chị "có giá", nhiều người theo đuổi nhưng anh rất tự tin vào bản thân. Anh đàng hoàng đến nhà chị, trò chuyện cùng bố mẹ, người thân trong gia đình chị. Là người thông minh, kiến thức sâu rộng, nói năng hoạt bát, hóm hỉnh nên anh được gia đình, đặc biệt là bố chị, rất quý mến. Thế nhưng chị lại không xác định dành tình cảm cho anh nên vẫn cứ vô tư đi chơi với các bạn, nhiều hôm… kệ anh một mình.
Rồi "mưa dầm thấm lâu", cô giáo tiếng Anh lại dần cảm tài làm thơ, cách trò chuyện cuốn hút, thông tuệ của anh giảng viên trường Luật. Chị đề nghị hai người giữ tình cảm ở mối quan hệ anh - em thân thiết, anh bảo chị: "Anh đến với em là để đi đến hôn nhân, lấy em làm vợ. Nếu em không lấy thì thôi, anh còn làm việc khác". Trời đất! Có ai tỏ tình kiểu "được thì được, chả được thì thôi" thế bao giờ?! Không ngờ, cái cách "tán gái" tưng tửng của anh lại "đốn tim" chị. Từ nể phục, chị bị cuốn hút, rồi chị yêu anh tha thiết lúc nào chẳng hay.
Gật đầu cái rụp, cưới luôn
Hơn một năm quen biết, vừa kịp yêu nhau mấy tháng, chị gật đầu nhận lời làm đám cưới với anh. Quyết định của chị nhanh đến nỗi, cả nhà, bạn bè, người thân đều ngạc nhiên. Thậm chí, nhiều người hoài nghi chắc chị "dính bầu" nên mới cưới nhanh thế.
Lúc ở nhà, quen với phố thị đèn hoa, giờ về làm dâu nhà anh ở Hà Đông (Hà Tây cũ), bố mẹ, người thân của chị ai cũng xót, thương chị "gái phố làm dâu quê". Gia đình anh sống trong một khu tập thể cấp 4, sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Mẹ anh là người nghiêm khắc, có tiếng "ghê gớm". Chả thế, khi biết con trai mình yêu cô gái phố cổ, bà cử con gái út ra tận Đồng Xuân, lân la điều tra xem con dâu tương lai có phải là người ăn chơi, đua đòi không. Lần con trai đưa bạn gái về ra mắt, bà quan sát từ xa, để ý từng lời ăn tiếng nói, cách đi đứng của chị…
"Mình tin rằng, khi ta tạo dựng được càng nhiều kỉ niệm đẹp của hai vợ chồng, của gia đình thì hạnh phúc sẽ càng bền chặt, dày thêm. Như anh Chí từng nói trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày cưới vừa rồi của hai vợ chồng, là nhất định, chúng mình sẽ nắm chặt tay nhau để mong có đám cưới 35 năm, 40 năm, 45 năm, nửa thế kỉ và nhiều hơn nữa".
Chị Nguyễn Hồng Hạnh
Khác với nhiều người không thích làm dâu, dù kinh tế và điều kiện sống ở nhà chồng "một trời một vực" so với gia đình nhà đẻ nhưng đi lấy chồng, chị Hạnh lại không có cảm giác sợ ở nhà chồng. "Ai cũng bảo mẹ chồng mình ghê gớm nhưng mình lại thấy bà rất tâm lý, chăm lo cho gia đình, quan tâm đến các con. Hàng ngày, chúng mình đi từ Hà Đông vào nội thành làm việc, tối mới về nhà nên mọi việc ở nhà, hầu như mẹ chồng mình cáng đáng hết. Lúc nào bà cũng thương con cái đi làm xa nên ngày nghỉ, thay vì gọi con dâu dậy lo việc gia đình, bà còn động viên cứ tranh thủ ngủ thêm dưỡng sức. Mình hay trêu chồng, tình cảm của bố mẹ chồng dành cho con dâu là "điểm cộng" khi mình lấy anh. Yêu chồng, mình thêm gắn bó với gia đình nhà chồng và tình cảm khăng khít với gia đình nhà chồng lại trở thành chất xúc tác khiến vợ chồng mình yêu thương nhau hơn", chị Hạnh bộc bạch.
Sinh hai con liền nhau, thời kỳ chị bận con mọn cũng là lúc anh phải dành nhiều thời gian cho nghiên cứu giảng dạy, học lên thạc sĩ, làm luận án tiến sĩ... Có nhiều giai đoạn, gia đình khó khăn, lo toan đủ bề khiến chị cảm thấy stress. "Dù mệt mỏi, căng thẳng đến đâu nhưng cứ về nhà, vợ chồng nhìn thấy nhau, trò chuyện với nhau là mình như có thêm động lực", chị bộc bạch.
Giấc mơ nửa thế kỷ và nhiều hơn nữa
Anh giờ ngoài sáu chục, chị cũng đã 55 tuổi nhưng chị vẫn có thói quen "thèm ôm chồng trò chuyện thâu đêm". Tôi phá lên cười trêu chị: "Tuổi ấy, nhiều cặp vợ chồng đòi "cách ly", mà chị còn cứ như vợ chồng son. Khổ anh xã chị ghê". Chị cười đáp: "Ờ, cũng có hôm anh ấy mệt quá bảo: Anh giờ có tuổi rồi, đâu còn như ngày xưa. Em cứ bắt nói chuyện nhiều, quá giờ, anh mất ngủ, không ngủ lại được nữa. Chả hiểu sao, chị lúc nào cũng có nhu cầu được nói chuyện với chồng, được nghe chồng nói. 30 năm làm vợ, giờ vẫn thế!".
Có một điều, không phải cặp vợ chồng nào cũng làm được như anh chị, ấy là kể từ khi lấy nhau, cứ 5 năm, họ lại tổ chức một lễ kỷ niệm ngày cưới hoành tráng với sự hiện diện của bố mẹ hai bên, con cái, họ hàng, người thân. Nhắc đến các lễ kỉ niệm ngày cưới của mình, chị Hạnh say sưa lật từng trang kí ức, từng cuốn album. Đến nay, đã 6 lần anh chị tổ chức lễ kỉ niệm đám cưới và cả 6 lần chị đều tự chọn trang phục cô dâu ưng ý, lên chương trình phù hợp với từng giai đoạn hôn nhân.
Khác với đám cưới lần đầu có bố mẹ, gia đình hai bên lo liệu, giờ đây, khi tổ chức lễ kỉ niệm ngày cưới, mọi việc đều do một tay chị Hạnh quán xuyến, dựa vào sự hỗ trợ của người thân, bạn bè. "Nhiều người trêu mình là "cưới không mệt mỏi" nhưng thực sự, mình rất thích khoảnh khắc được khoác tay chồng bước lên sân khấu nói lời tri ân cha mẹ, gia đình hai bên, cảm ơn cuộc đời đã cho chúng mình bên nhau và cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp của gia đình, của hai vợ chồng".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn