Hệ thống nội tiết là một mạng lưới các tuyến và cơ quan sản xuất, lưu trữ và tiết ra hormone. Khi hoạt động bình thường, hệ thống nội tiết hoạt động với các hệ thống khác để điều chỉnh sự phát triển và chức năng của cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số hóa chất có thể can thiệp vào hệ thống nội tiết và gây rối loạn.
Hóa chất gây rối loạn nội tiết thường có trong môi trường (đất, nước, không khí), nguồn thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân... Vì các hóa chất này có trong nhiều nguồn khác nhau nên con người cũng dễ bị nhiễm hóa chất mà đôi khi chúng ta còn không hề hay biết.
Hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC) can thiệp vào cách thực hoạt động của các hormone trong cơ thể.
Một số EDC bắt chước hoạt động của các hormone và đánh lừa cơ thể chúng ta nghĩ rằng chúng là hormone. Một số EDC khác lại ngăn chặn các hormone tự nhiên thực hiện chức năng của chúng. Các EDC khác có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ hormone trong máu của chúng ta bằng cách ảnh hưởng đến cách chúng được tạo ra, phân hủy hoặc lưu trữ trong cơ thể chúng ta. Một số EDC cũng có thể thay đổi mức độ nhạy cảm của cơ thể chúng ta với các hormone khác nhau.
EDC có thể phá vỡ nhiều loại hormone khác nhau, đó là lý do tại sao chúng có liên quan đến nhiều hậu quả xấu đối với sức khỏe con người bao gồm thay đổi chất lượng tinh trùng và khả năng sinh sản, bất thường ở cơ quan sinh dục, lạc nội mạc tử cung, dậy thì sớm, rối loạn chức năng hệ thần kinh, chức năng miễn dịch, một số bệnh ung thư, các vấn đề về hô hấp, các vấn đề về chuyển hóa, tiểu đường, béo phì, các vấn đề về tim mạch, tăng trưởng, khuyết tật thần kinh và học tập...
Có hàng trăm loại hóa chất có thể gây rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, dưới đây là 6 loại hóa chất phổ biến hơn cả và thường có trong các đồ dùng chúng ta sử dụng hàng ngày.
BPA là một hóa chất công nghiệp được sử dụng trong sản xuất nhựa như hộp nhựa, bao bì thực phẩm...
BPA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ, vì chất này có thể bắt chước estrogen, tác động lên các thụ thể estrogen và gây viêm hoặc tổn thương tế bào qua quá trình stress oxy hóa.
Ngoài ra, tác động gây viêm của BPA có thể làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường loại 2. Ung thư, bệnh tuyến giáp, dị tật bẩm sinh ở trẻ em cũng là những nguy cơ khác có liên quan đến việc tiếp xúc với BPA.
Mức độ tiếp xúc với BPA phổ biến như thế nào?
Trên thực tế, việc tiếp xúc với BPA phổ biến đến mức nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người trên 6 tuổi đều có lượng BPA có thể đo được trong nước tiểu. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 85% trẻ em Hàn Quốc dưới 2 tuổi có nồng độ BPA có thể phát hiện được trong nước tiểu.
Phthalates được sử dụng để sản xuất nhựa hoặc làm chất hòa tan cho các vật liệu khác. Chúng có trong bao bì, ống y tế, chất tẩy rửa, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm và nhiều sản phẩm khác mà chúng ta chạm vào hàng ngày.
Phthalates có thể phá vỡ nội tiết bằng cách bắt chước estrogen và testosterone, phthalates có thể đánh lừa cơ thể phản ứng với chúng như thể chúng là hormone.
Việc tiếp xúc với Phthalates có liên quan rất nhiều tới vấn đề sức khỏe như:
+ Các vấn đề về hệ thống sinh sản ở cả nam và nữ, bao gồm sự phát triển bất thường của hệ thống sinh sản, vô sinh, thay đổi thời điểm dậy thì, lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung.
+ Các biến chứng khi mang thai và sinh nở, như trẻ nhẹ cân khi sinh, sinh non và nồng độ hormone tuyến giáp bất thường trong thai kỳ.
+ Béo phì ở trẻ em
+ Ung thư vú
+ Bệnh tiểu đường loại 2
+ Hen suyễn và dị ứng
+ Một nghiên cứu gần đây cũng liên kết việc tiếp xúc với phthalate với nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong cao hơn.
Bạn tiếp xúc với Phthalates như thế nào?
Bạn có thể tiếp xúc với Phthalates qua một số cách khác nhau, bao gồm:
+ Tiêu thụ thực phẩm hoặc các chất có chứa chất này
+ Hấp thụ qua da, đặc biệt là với các sản phẩm chăm sóc cá nhân như kem dưỡng da
+ Hít phải bụi có chứa phthalate trong không khí
+ Tiếp xúc trực tiếp với thai nhi đang phát triển từ người mẹ đã tiếp xúc với hoá chất này
+ Trẻ sơ sinh nuốt phải qua sữa mẹ
Các hóa chất này đã bị cấm ở Hoa Kỳ từ cuối những năm 1970, nhưng đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ trước đó trong các thiết bị điện, sơn, thuốc nhuộm, nhựa và các sản phẩm cao su. Chúng vẫn tồn tại trong môi trường.
PCB đã được chứng minh là gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe như gây ung thư, tác động đến hệ thống miễn dịch, hệ thống sinh sản, hệ thần kinh, hệ thống nội tiết và các tác động sức khỏe khác.
Dichlorodiphenyltrichloroethanes (DDTs) và dichlorodiphenyldichloroethylenes (DDEs) là những chất gây ô nhiễm môi trường. DDE là sản phẩm phân hủy của DDT, chất này bị cấm ở Hoa Kỳ nhưng vẫn được sử dụng ở các quốc gia khác như một loại thuốc trừ sâu.
Việc tiếp xúc lâu dài với những hoá chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, có hại lên hệ thần kinh, gan và hệ sinh sản và có thể gây sinh non và thở khò khè ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, hóa chất này đang được kiểm soát nghiêm ngặt. Hầu hết mọi người không có khả năng tiếp xúc với DDT, DDE. Cách phổ biến nhất để tiếp xúc với một lượng nhỏ hóa chất này là thông qua việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm như thịt, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa hoặc từ đất, không khí, nước trong khu vực bị ô nhiễm.
PFAS được gọi là hóa chất vĩnh viễn và thường có trong các đồ gia dụng có lớp chống dính, thảm chống bẩn, quần áo chống thấm nước, bao bì giấy và bìa cứng, sáp trượt tuyết và bọt dùng để chữa cháy. Chúng ta có thể bị nhiễm hóa chất này khi sử dụng các sản phẩm trên.
PFAS được cho là có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe:
+ Thay đổi cholesterol và làm tăng cholesterol
+ Tác động đến sự phát triển hoặc làm chậm phát triển ở thai nhi và trẻ em
+ Nhẹ cân ở trẻ sơ sinh
+ Dậy thì sớm
+ Ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ em
+ Gây béo phì ở trẻ em
+ Giảm khả năng sinh sản
+ Những thay đổi về hormone trong cơ thể
+ Những thay đổi trong hệ thống miễn dịch của bạn, làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể và làm giảm hiệu quả của vắc-xin.
+ Các vấn đề về tuyến giáp và bệnh tuyến giáp
+ Nguy cơ mắc ung thư thận, tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn cao hơn
+ Những thay đổi về huyết áp trong thai kỳ
+ Tổn thương gan
+ Viêm loét đại tràng
Triclosan có trong nhiều sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày như xà phòng diệt khuẩn, sữa tắm, kem đánh răng, một số mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất và đồ chơi.
Triclosan được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết vì khả năng can thiệp vào hệ thống estrogen (hormone nữ), androgen (hormone nam) làm suy giảm khả năng sinh sản và tuyến giáp của cơ thể. Ngoài ra, hóa chất này còn có thể gây ung thư, làm suy yếu hệ miễn dịch, gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Chúng ta có thể không tránh hoàn toàn được việc tiếp xúc với các hóa chất trên vì nhiều sản phẩm thiết yếu vẫn chứa các chất này. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc và bảo vệ sức khoẻ bằng một số cách như:
- Hãy cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có bao bì không chứa BPA và phthalate.
- Uống nước máy đã được lọc
- Tránh hâm nóng thức ăn có đồ nhựa trong lò vi sóng
- Tránh các sản phẩm chăm sóc cá nhân có liệt kê "hương liệu" là thành phần, vì phthalate thường ẩn trong hương liệu.
- Chọn những sản phẩm có nhãn "không chứa phthalate", "không chứa paraben" hoặc "không chứa BPA".
- Tránh tiếp xúc không cần thiết với hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn