Tiến sĩ Wu Hanmeng là một trong những chuyên gia Nhi khoa đầu ngành tại Đài Loan (Trung Quốc), có nhiều nghiên cứu về dậy thì sớm và dinh dưỡng trẻ em. Ông chia sẻ rằng, xu hướng trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng, trẻ hóa và thật sự là một tình trạng đáng báo động trong xã hội hiện đại.
Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tương lai của trẻ (Ảnh minh họa)
Dậy thì sớm chỉ tình trạng phát triển cơ thể và các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường. Cụ thể là trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Với các biểu hiện như sự phát triển nhanh chóng của xương và cơ bắp, thay đổi kích thước và hình dạng của cơ thể, phát triển khả năng sinh sản, sự thay đổi của vú, xuất hiện lông mu, thay đổi giọng nói…
Về nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm, Tiến sĩ Wu Hanmeng chỉ ra các yếu tố phổ biến như: di truyền, chế độ ăn uống, môi trường và tác động từ bệnh lý. Thậm chí, rất nhiều trường hợp dậy thì sớm không thể tìm ra nguyên nhân.
Nếu cha mẹ, người trong gia đình có tiền sử dậy thì sớm thì nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ cũng rất cao. Các bệnh lý như khối u trên buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, não hay do các vấn đề về thần kinh trung ương, rối loạn hormone, chấn thương não có thể gây ra dậy thì sớm.
Với yếu tố môi trường, có thể là do hóa chất hoặc phụ gia hóa dẻo tiềm ẩn trong đồ chơi, đồ nhựa, văn phòng phẩm, các loại hóa chất diệt côn trùng, tinh dầu… Hoặc khi trẻ được tiếp xúc quá sớm với các nội dung khiêu dâm, liên quan đến tình dục. Thậm chí, ô nhiễm môi trường cũng được chứng minh là có tác động đến quá trình dậy thì sớm của trẻ.
Còn xét tới chế độ ăn uống, chúng có thể ảnh hưởng tới nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ theo rất nhiều cách. Ví dụ như ăn uống, bồi bổ quá mức hay lạm dụng thuốc, thực phẩm chức năng, dùng vitamin bừa bãi. Chế độ ăn uống mất cân bằng, ăn quá nhiều các thực phẩm ảnh hưởng tới hormone, dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hóa chất trong thực phẩm…
Tiến sĩ Wu Hanmeng nhấn mạnh, dậy thì sớm là một rối loạn bệnh lý chứ không chỉ là một vài bất thường về phát triển như các phụ huynh thường nghĩ. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, tâm lý, đời sống tình dục và tương lai sau này của trẻ. Vì vậy, việc phòng ngừa dậy thì sớm là rất quan trọng. Trong đó, chế độ ăn uống góp phần rất lớn vào giảm nguy cơ dậy thì sớm.
Ông nhắc nhở, có 6 thực phẩm trẻ nên ăn ít để giảm nguy cơ dậy thì sớm:
- Thực phẩm chiên rán: Những món ăn chiên rán với hương vị thơm ngon là lựa chọn hàng đầu của trẻ, vì chúng đã đánh đúng vào thị hiếu của trẻ nhỏ cũng như trẻ vị thành niên. Tuy nhiên thực phẩm chiên rán khi nấu ở nhiệt độ cao các món ăn như gà rán, khoai tây chiên... sẽ bị biến đổi chất, khi trẻ ăn vào có thể gây rối loạn nội tiết và dẫn đến cơ thể dậy thì sớm hơn.
- Rau củ trái mùa: Các loại rau củ trái mùa đều chứa các chất độc hại tồn dư trong các loại rau củ trái cây từ việc trồng rau quả trái mùa và sử dụng để ép trái cây phải chín. Bởi vậy sẽ tạo ra nguy cơ dậy thì sớm khi trẻ em ăn các loại rau củ này.
- Nội tạng động vật, thịt cổ gia cầm: Nếu gia cầm sử dụng tăng trọng, các chất này sẽ tích tụ nhiều nhất ở phần cổ và đầu. Vì vậy nên trẻ cần hạn chế ăn thịt ở vùng cổ gia cầm như gà, ngan, ngỗng... để tránh bị kích thích phát triển gây ra dậy thì sớm. Hay các món ăn từ nội tạng động vật sẽ khiến trẻ dễ bị béo phì, tăng cân và mắc các bệnh như mỡ nhiễm máu, gan nhiễm mỡ, dậy thì sớm…
- Thịt chế biến sẵn: Tiêu thụ quá nhiều thịt không tốt cho sự phát triển và sức khỏe của trẻ, đặc biệt là thịt chế biến sẵn. Bao gồm: xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói, thịt đóng hộp… Khi lạm dụng, ăn quá nhiều có thể thúc đẩy tăng trưởng và đẩy nhanh quá trình dậy thì. Ngoài ra còn có hại cho tim, thận… cùng nhiều nguy cơ sức khỏe khác.
- Thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, nước ngọt là một trong những thực phẩm có chứa hàm lượng đường lớn (fructose hấp thu nhanh). Khi ăn vào cơ thể lập tức sẽ tạo ra mỡ dự trữ ở vùng bụng, đùi, bắp tay, và trong gan, tim… Đồng thời tác động lên não và cơ quan sinh dục gây dậy thì sớm ở trẻ. Nghiên cứu cho thấy uống quá nhiều nước ngọt có thể dẫn tới dung nạp quá nhiều glycemic - chất làm tăng sản sinh insulin và các hormone giới tính bên trong cơ thể, khiến trẻ dậy thì sớm.
- Các thực phẩm có chứa hoặc làm thay đổi hormone: Rối loạn hormone là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng dậy thì sớm. Vì vậy, trẻ nên tránh hoặc ăn ít những thực phẩm có chứa hoặc có thể gây ra thay đổi lớn về hormone. Ví dụ như các sản phẩm từ đậu nành, sữa ong chúa chiết xuất nhau thai… Bởi chúng có thể sản sinh ra axit béo không bão hòa giống estrogen, có thể gây dậy thì sớm. Hay phao câu gà, tinh hoàn gà, da gà… cũng có hàm lượng hormone cao hơn các phần khác của con gà, không nên ăn nhiều.
Ngoài ra, Tiến sĩ Wu Hanmeng cũng nhắc nhở thêm rằng cha mẹ không nên lạm dụng thực phẩm chức năng, vitamin để tránh con dậy thì sớm. Khi phát hiện con có các dấu hiệu dậy thì sớm đã kể trên, không được chủ quan mà cần nhờ ngay tới sự hỗ trợ của bác sĩ để có hướng can thiệp, điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn