Trước khi tìm hiểu các biện pháp bảo vệ mắt khi đi bơi, bạn cũng cần biết được các vấn đề về mắt do bơi lội gây ra nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp, đặc biệt là với nước được xử lý bằng clo:
- Dị ứng clo: Clo thường được sử dụng để khử trùng nước hồ bơi và việc tiếp xúc (nhất là khi vừa khử trùng) có thể khiến mắt bạn bị kích ứng.
- Hội chứng mắt của người bơi lội: Còn gọi là viêm kết mạc ở bể bơi xảy ra khi nước bể bơi bị ô nhiễm hoặc do nồng độ clo cao. Viêm kết mạc do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập vào mắt gây đỏ, sưng đau và ngứa; thậm chí nặng nề hơn là loét giác mạc hoặc mất thị lực nếu không điều trị kịp thời và đúng cách.
- Khô mắt: Nước biển hay nước clo có thể khiến mắt bị khô dẫn tới kích ứng và khó chịu, giảm điều tiết mắt.
- Trầy xước giác mạc: Nếu bạn dụi mắt liên tục khi đi bơi có thể khiến giác mác bị trầy xước.
- Tác hại của tia cực tím: Tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ mặt trời trong thời gian dài mà không có biện pháp bảo vệ có thể gây hại cho mắt của bạn nếu bơi ngoài trời. Đó có thể là đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng và bỏng nắng giác mạc.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn bảo vệ mắt khi đi bơi an toàn:
Điều quan trọng nhất khi đi bơi chính là đeo kính bơi bảo hộ. Kính bảo hộ giúp tạo ra một hàng rào giữa mắt và nước ngăn không cho các chất kích thích như nước clo hay nước biển mặn xâm nhập.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa cho thấy đeo kính bảo hộ khi bơi giúp giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh về mắt của người bơi hoặc các rối loạn bề mặt nhãn cầu khác do nước hồ bơi.
Ngoài ra đeo kính bơi cũng giúp giữ ẩm cho mắt và giảm nguy cơ nhiễm trùng do các tác nhân có trong nước. Nghiên cứu này cũng khuyến cáo mọi người nên lựa chọn các loại kính bơi có khả năng chống tia cực tím.
Hướng dẫn đeo kính bơi bảo hộ đúng cách:
- Chọn kính vừa vặn và phù hợp với gương mặt, có dây điều chỉnh
- Giữ kính bơi trước hốc mắt bằng 1 tay và tay còn lại kéo dây đeo lên đầu ở vị trí phía trên tai đồng thời điều chỉnh kích thước sao cho bạn không cảm thấy kính quá lỏng hay quá chặt với gương mặt
- Đội mũ bơi (nếu có) bên ngoài bao phủ lên dây kính bơi, điều này sẽ giúp kính được cố định chắc chắn hơn.
Clo và nước muối có thể gây khô và kích ứng cho mắt vì thế bạn nên sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng bôi trơn và giữ ẩm để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ về tình trạng mắt hiện tại để lựa chọn loại thuốc phù hợp.
Lưu ý nên chọn loại thuốc không chứa chất bảo quản.
Bơi lội trong thời gian dài không nghỉ có thể khiến mắt bị mỏi và căng thẳng. Tốt nhất nên nghỉ 10 phút sau mỗi một giờ bơi.
Trước khi xuống bơi bạn nên tắm vòi sen để rửa sạch mồ hôi hoặc vi khuẩn trên cơ thể. Điều này không chỉ giúp giảm lượng vi khuẩn bạn mang vào nước mà còn giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt cho bản thân và người bơi xung quanh.
Nếu đang bơi mà bạn cảm thấy ngứa mắt hoặc khó chịu, hãy tránh dụi mắt mà nên lên bờ và rửa mắt bằng các dung dịch chuyên dụng cho mắt. Dụi mắt liên tục với cường độ mạnh có thể khiến giác mạc bị trầy xước và vô tình đưa vi khuẩn từ tay xâm nhập vào mắt và gây bệnh nhiễm trùng.
Nếu sau khi bơi bạn gặp các triệu chứng kích ứng mắt hoặc nhiễm trùng, tốt nhất nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các cơ sở y tế uy tín. Các triệu chứng có thể bao gồm đỏ, ngứa, tiết dịch liên tục, sưng tấy, nhạy cảm với ánh sáng, mờ mắt,...
Việc trì hoãn điều trị có thể khiến mắt bị tổn thương nghiêm trọng hoặc mất thị lực vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) cảnh báo không nên sử dụng kính áp tròng khi bơi vì điều này có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng giác mạc, dẫn đến tổn thương mắt hoặc giảm thị lực. Nếu muốn đeo kính khi đi bơi để nhìn rõ hơn, bạn nên tìm các loại kính chuyên dụng cho người có vấn đề về thị lực khi đi bơi.
Chọn các bể bơi đã khử khuẩn đủ điều kiện bơi, không có mùi hóa chất nồng nặc (clo hay chloramines),... để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn