Theo Globocan 2018, ung thư phổi đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2020, ung thư phổi là nguyên nhân dẫn đến 23.667 số ca mắc mới (chiếm 14,4% tổng số ca mắc mới ung thư) và 20.710 số ca tử vong (chiếm 18% tổng số ca tử vong do ung thư), đứng hàng thứ 2 chỉ sau ung thư gan.
Ung thư phổi có tiên lượng xấu do đa phần các bệnh nhân thường đến trong tình trạng bệnh đã diễn biến tới giai đoạn muộn. Do vậy, việc điều trị ở giai đoạn này chủ yếu là nâng cao chất lượng sống và thể trạng cho bệnh nhân.
Hiện nay, y học phát triển nên đã có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư phổi. Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.T.T (nữ, 55 tuổi) được đưa tới Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng ho khan, đau ngực, khó thở. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khoẻ mạnh.
Bệnh nhân T cho biết từ tháng 3/2021, bệnh nhân xuất hiện khó thở kèm theo đau ngực, ho khan tăng dần nên được chuyển đến điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và phát hiện hình ảnh u phổi trái, tràn dịch màng phổi trái. Bệnh nhân được chọc dịch màng phổi và gây dính màng phổi trái.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến di căn nguồn gốc phổi. Gen EGFR có đột biến G719X. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi trái di căn màng phổi giai đoạn IV. Sau 19 tháng điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt, lâm sàng ổn định, tác dụng phụ kiểm soát được.
Trường hợp bệnh nhân T mắc ung thư phổi giai đoạn di căn xa có đột biến gen nhưng là loại đột biến rất hiếm gặp và đáp ứng kém với các thuốc điều trị đích so với các đột biến gen thường gặp khác.
GS Khoa cho biết trên bệnh nhân này, lựa chọn điều trị thuốc đích được khuyến cáo cho các đột biến hiếm gặp và được kết quả đáp ứng rất tốt.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết ung thư phổi thường có triệu chứng rất nghèo nàn và dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác. Bệnh nhân mắc ung thư phổi thường tới khám khi có những triệu chứng sau:
- Đau tức vùng ngực, đau tăng lên, dùng thuốc không thuyên giảm;
- Ho nhiều, ho kéo dài, ho dai dẳng, ho ra máu;
- Bệnh nhân có các triệu chứng gầy sút cân, nổi hạch vùng cổ;
- Khó thở tăng dần khi gắng sức, lao động. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng đau xương nếu có di căn xương;
- Ở giai đoạn muộn bệnh nhân có di căn não sẽ xuất hiện các triệu chứng đau đầu, yếu liệt…
Hiện nay, ngoài phẫu thuật, xạ trị, hoá trị thì điều trị ung thư phổi đã có thêm phương pháp điều trị đích và miễn dịch. Các phương pháp điều trị mới như đích và miễn dịch đem lại cơ hội điều trị ung thư, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Theo PGS Phương, cần sàng lọc ung thư phổi theo các nhóm nguy cơ:
- Nam giới trên 50 tuổi;
- Người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào;
- Người hút thuốc lá thụ động;
- Người có nghề nghiệp phơi nhiễm với khói bụi nhiều;
- Trong gia đình có người mắc ung thư phổi;
- Người bị COPD hoặc xơ phổi…
Nhóm người có nguy cơ cao nên chụp cắt lớp vi tính liều thấp để sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi. Ung thư phổi nếu được phát hiện sớm tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 90%. Nếu phát hiện ở giai đoạn cuối, tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%.
Để phòng ngừa ung thư phổi, chuyên gia khuyến cáo cần phải tránh xa môi trường có thuốc lá, khí độc hại từ môi trường. Người làm việc trong các môi trường độc hại cần phải bảo hộ tốt để giảm thiểu các nguy cơ. Người có các bệnh lý về phổi COPD, viêm phổi tắc nghẽn cũng cần phải tầm soát thường xuyên. Người thừa cân béo phì cần phải giảm cân và có lối sống khoa học.
Bên cạnh đó, cần phải có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tăng cường vận động thể thao để có một lá phổi khoẻ giúp phòng ngừa ung thư và các bệnh tật khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn