Câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Với chỉ tiêu 1.800 CLB được củng cố, hoặc thành lập mới, CLB nhằm trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em; tạo điều kiện để các em trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình.
Đặc biệt, hoạt động của CLB giúp nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cha mẹ, người dân tại cộng đồng và cán bộ địa phương trong thực thi quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn.
CLB có thể thành lập ở cộng đồng hoặc ở trong trường học. Ở cộng đồng, có thể thành lập cấp thôn/bản/ấp/buôn do Hội LHPN xã ra quyết định thành lập. Ở trong trường học, CLB do nhà trường thành lập, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định thành lập.
Phương pháp tổ chức và điều hành các hoạt động của CLB rất phong phú và đa dạng. Trong Tài liệu Hướng dẫn thành lập và vận hành mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành, đã hướng dẫn một số phương pháp tổ chức như:
Thảo luận nhóm: Đặc trưng của phương pháp thảo luận nhóm là có sự tiếp xúc trực diện giữa những người tham gia và sự tự do trao đổi ý tưởng, quan điểm, kinh nghiệm của cá nhân; tạo ra sự khác biệt, sự hòa đồng hoặc sự gần nhau rất phong phú của các quan điểm, ý tưởng. Nó giúp thành viên CLB tham gia một cách chủ động, tích cực vào quá trình tập huấn trên cơ sở có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau; giúp thành viên CLB hiểu vấn đề một cách sâu sắc, giáo dục tính độc lập, tư duy phê phán, biết lắng nghe ý kiến của người khác.
Phương pháp sử dụng trò chơi: Trò chơi cũng là dịp để thành viên CLB tập xử lý những tình huống nảy sinh trong cuộc sống, giúp các em có thêm kinh nghiệm sống. Trò chơi là một phương thức giải trí tích cực và hiệu quả, giúp thành viên CLB tái tạo năng lực thần kinh và cơ bắp sau thời gian học tập, lao động căng thẳng. Những trò chơi vui nhộn, hào hứng không chỉ thỏa mãn nhu cầu của các em mà còn mang lại những giá trị tinh thần to lớn, hữu ích.
Phương pháp sắm vai, đóng vai: Đóng vai, sắm vai là phương pháp nhằm giúp thành viên CLB suy nghĩ sâu sắc về một vấn đề bằng cách tập trung vào một sự việc cụ thể mà các em vừa thực hiện hoặc quan sát được. Đóng vai, sắm vai có nhiều ưu thế trong việc rèn luyện kỹ năng ứng xử cho thành viên CLB, làm nảy sinh óc sáng tạo của các em trong việc tìm kiếm cách xử lí và thể hiện cách ứng xử, làm thay đổi thái độ, hành vi của các em theo hướng tích cực.
Phương pháp Tổ chức cuộc thi: Hội thi là một trong những hình thức sinh hoạt CLB hấp dẫn, lôi cuốn thành viên CLB và đạt hiệu quả trong việc tập hợp, giáo dục, rèn luyện và định hướng phát triển cho thành viên CLB.
Câu chuyện ảnh (Photo voice ): Câu chuyện ảnh là phương pháp kể chuyện giàu cảm xúc và sinh động bằng những bức ảnh. Câu chuyện ảnh là công cụ thu thập thông tin theo cách tiếp cận cùng tham gia, nhấn mạnh đến việc sử dụng ảnh và kể chuyện để truyền thông và vận động chính sách. Câu chuyện ảnh tác động đến nhận thức và quyết định hành động của những nhà hoạch định chính sách hoặc do hiệu quả tác động chân thực, rõ ràng và sâu sắc hơn về vấn đề. Từ đó họ có thể ra những quyết định công bằng, phù hợp hơn để có thể cải thiện tình trạng của vấn đề.
Truyền thông trên mạng xã hội: Là một hình thức truyền thông sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội. Thông qua các chia sẻ dưới dạng hình ảnh, âm thanh, video nhằm tạo ra sự kết nối, tương tác và lan tỏa trong cộng đồng người dùng mạng xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn