Công bố các bộ SGK đầu tiên được xã hội hóa
Chiều 22/11, Bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Các bản mẫu sách được thông qua đến từ 3 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (chiếm 24/32 cuốn), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Theo Bộ GD&ĐT, từ tháng 7 đến giữa tháng 10/2019, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập đã đánh giá các bản thảo SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà các nhà xuất bản gửi về. Quá trình này gồm 2 vòng với quy trình tổ chức chặt chẽ, khắt khe. Sau khi được thông qua, các đơn vị đã có sự ra mắt ấn tượng các bộ sách của mình, đồng thời được Bộ GD&ĐT yêu cầu sớm công bố giá sách, muộn nhất 15/2/2020 phải hoàn thành việc công bố giá đến rộng rãi công chúng.
Xử lý hàng trăm cán bộ, đảng viên liên quan đến gian lận thi THPT quốc gia 2018
Vụ gian lận điểm thi tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình gây rúng động dư luận vào năm 2018 đã được các cơ quan chức năng điều tra và đưa ra xét xử vào năm 2019. Trong tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có quyết định thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình vì những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong chỉ đạo thi THPT quốc gia tại tỉnh này.
Ngày 1/10, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này. Theo đó, 151 cán bộ, đảng viên của tỉnh có liên quan vụ gian lận thi cử.
Ngày 18/12, theo Bộ Công an, tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPTQG tỉnh Sơn La năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã thi hành các quyết định, lệnh khởi tố, bắt bổ sung một số đối tượng về tội Đưa và Nhận hối lộ.
Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tháng 11/2019, với 88,2% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Điểm đáng chú ý là Luật bãi bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới. Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020); viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bãi bỏ biên chế viên chức suốt đời trong những năm tới đây là một tiến hiệu tốt để tạo ra sự chuyển biến tích cực cho các đơn vị nhà trường. Chính sách này sẽ tạo ra động lực thực sự để giáo viên phấn đấu và cống hiến tốt hơn.
Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế
2019 được xem là một năm thành công của học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế bởi các đội tuyển đều gặt hái giải cao. Theo đó, 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế 2019 đều có huy chương, gồm 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, tổng điểm 177, xếp thứ 7/110 đoàn tham gia IMO 2019.
Tại Olympic Vật lý, Đoàn Việt Nam gồm 5 thí sinh đã xuất sắc giành 3 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Với kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế, cả 4 thành viên đội tuyển Việt Nam đều có giải thưởng, với 2 huy chương vàng và 2 huy chương bạc. Olympic Tin học quốc tế năm 2019, đội tuyển Việt Nam có 4 thí sinh dự thi đều đoạt huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2019) được tổ chức ở Việt Nam, 36 học sinh Việt Nam đoạt giải, trong đó có 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 7 huy chương đồng - trở thành đoàn dự thi có số huy chương vàng nhiều nhất.
ĐH Việt Nam được thăng hạng trong bảng xếp hạng ĐH thế giới
Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ). Theo đó, Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1.000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1000+. Như vậy, cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đạt mức điểm 22,2 - 28,2 của THE.
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có hiệu lực
Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã được ban hành ngày 19/11/2018 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 với nhiều điểm mới, tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam. Luật GDĐH sửa đổi đã khắc phục được một số vấn đề bất cập, đồng thời vẫn đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển.
Một số điểm đáng chú ý của việc sửa luật lần này là bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH, không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo, bỏ quy định hiệu trưởng trường ĐH có nhiệm kỳ 5 năm, các trường đại học được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn