6 tác phẩm Ngữ văn bắt buộc giống như cài “Chốt an toàn”

08:05 | 02/03/2018;
TS Chu Văn Sơn, giảng viên khoa Văn, trường ĐHSP Hà Nội mới đây đã có những chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam xung quanh 6 tác phẩm bắt buộc thuộc chương trình Ngữ văn mới đang gây tranh cãi. Theo ông, cần hiểu đúng về lý do lựa chọn 6 tác phẩm này.

Sự lựa chọn an toàn?

- Ông nhìn nhận gì về việc Bộ GD&ĐT đưa 6 tác phẩm bắt buộc vào chương trình Ngữ văn mới khi được cho là thiếu hơi thở cuộc sống và chưa mang tính tiêu biểu của nền văn học Việt Nam?

Có 3 sự phiến diện được thể hiện trong 6 tác phẩm bắt buộc (Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn Độc lập - PV) trong chương trình Ngữ văn mới mà khi nhìn vào ta hoàn toàn có thể thấy. Đó là số lượng tác phẩm thời kỳ trung đại quá nhiều mà hiện đại chỉ có một là “Tuyên ngôn độc lập”. Thứ hai, thể loại chính luận áp đảo trong khi thể loại sáng tác quá ít. Và thứ ba là về giá trị, hoàn toàn nghiêng về tinh thần yêu nước hơn là nhân đạo, trừ “Truyện Kiều”.

Tuy nhiên, số lượng 6 tác phẩm không nên hiểu là chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc mà nên hiểu đó là 6 tác phẩm “bất di bất dịch”. Nghĩa là số lượng tác phẩm bắt buộc có thể nhiều hơn nhưng nhiều hay ít hơn thì cũng không thể bỏ được 6 tác phẩm này. Đó là mục đích đưa ra của ban soạn thảo, để chứng tỏ tính tư tưởng của chương trình chứ không phải thể hiện tính đầy đủ và toàn diện.

TS Chu Văn Sơn chia sẻ về chương trình Ngữ văn mới. Ảnh: D.H

 
- Việc nghiêng hẳn về đề cao tinh thần yêu nước hẳn là có mục đích, thưa ông?

Theo tôi được biết, sự lựa chọn này cũng giống như cài “chốt an toàn” để các lực lượng khác không thể bắt bẻ gì về vấn đề lập trường hay chính trị!

- Việc dạy những tác phẩm trung đại mang tính kinh điển, lâu đời luôn khiến người dạy và người học cảm thấy thiếu hào hứng hơn là dạy các tác phẩm hiện đại. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Nền văn học nào cũng có tác phẩm kinh điển, mà tác phẩm kinh điển thì luôn chứa đựng nhiều giá trị quan trọng, có ý nghĩa trường tồn. Vấn đề ở chỗ là thầy cô giáo khai thác các giá trị đó như thế nào để phù hợp với mỗi thời.

Đây là bài toán đặt ra đối với người dạy, khi phải tìm cách khai thác giá trị kinh điển đó như thế nào để phù hợp với người được truyền thụ ở thời mà các em học, chứ không phải là những tác phẩm đã xa rồi thì hết giá trị. Thần thoại Hy Lạp có hàng mấy nghìn năm rồi có xưa cũ đâu? Hay Nguyễn Trãi, Hịch Tướng Sĩ cách đây mấy trăm năm. Khoảng cách này chưa đến nỗi quá xa.

Tác phẩm đạt đến hàng kinh điển nghĩa là đạt đến độ như một hằng số của lịch sử, vấn đề là khai thác hằng số đó như thế nào để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của từng thế hệ, từng thời đại mà thôi!

Đổi mới về “ngữ” chứ không phải về “văn”

- Ông đánh giá như thế nào về yêu cầu rèn 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với chương trình ngữ văn mới?

Tôi cho rằng, sự thay đổi này chưa đi vào cốt lõi. Ban soạn thảo đưa ra các kỹ năng nói trên đang cho thấy việc học văn thực ra bị lệch về học ngôn ngữ. Quy môn văn về 4 hoạt động chính là nghe, nói, đọc, viết thì đây cũng không khác gì các kỹ năng của việc học ngoại ngữ.

Nếu định hướng theo cách đó thì tôi nghĩ chương trình Ngữ văn mới không những không cứu vãn được tình hình mà thậm chí còn làm cho tình hình tồi tệ hơn. Nếu chưa nắm được lõi thì sẽ vu vơ. Nhiều cái bê từ nước ngoài về và cứ nghĩ là mới nhưng không hẳn là mới, thậm chí còn làm mất đi tính đặc thù.

TS Chu Văn Sơn cho rằng, việc tìm ra phương pháp dạy học Ngữ văn không quan trọng bằng xác định cốt lõi nội dung dạy học. Ảnh minh họa

- Nghĩa là theo ông, Bộ GD&ĐT vẫn đang loay hoay trong việc đổi mới phương pháp dạy học văn trong thời gian qua?

Phương pháp chỉ là yếu tố hàng thứ hai, yếu tố hàng đầu vẫn là nội dung. Khi có nội dung đúng đắn thì sẽ có phương pháp tốt chứ không thể dùng phương pháp hữu hiệu để thay thế cho nội dung lệch lạc được.

Đây chính là thời điểm chúng ta cần tư duy lại về vấn đề bản thể của văn chương. Khi nhìn nhận và tư duy lại để hiểu đúng đắn về nó để thấy được phương pháp thì mới là đúng.

Chọn thay đổi phương pháp chỉ giải quyết ở phần ngọn mà chưa phải là vấn đề gốc rễ, loay hoay mà không có cơ sở. Nỗ lực đầu tiên là phải ngồi với nhau, đầu tư để tư duy lại về việc văn là gì, dạy văn là dạy cái gì... Những câu hỏi tuy then chốt xưa cũ nhưng không phải lúc nào cũng được hiểu đúng. Một khi đã hiểu được đúng rồi, khi đó mới tìm ra phương pháp đúng để vận dụng.

- Xin cám ơn tiến sĩ!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn