6 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo bền vững

14:14 | 19/12/2018;
Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% cuối năm 2017, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thu nhập cũng giảm từ 7,47% xuống còn 5,81%, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều giảm từ 2,41% xuống còn 0,87%). 6 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo.
Đó là những con số được quan tâm nhất tại Hội thảo công bố Báo cáo “Nghèo đa chiều ở Việt Nam: Giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh để đảm bảo cuộc sống có chất lượng cho mọi người” ngày 19/12.
caitlin-wiesen.jpg
Bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Quyền Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đạt được thành công được công nhận rộng rãi trên toàn cầu này là nhờ tăng trưởng bao trùm, giúp tạo việc làm cho người dân; tiếp cận tương đối công bằng đối với các dịch vụ xã hội cơ bản; các chương trình mục tiêu và chính sách bảo trợ xã hội giúp những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống.
 
Còn theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Việt Nam là nước tiên phong xây dựng phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở trẻ em dựa trên quyền trẻ em từ năm 2006. Việt Nam đã có bước tiến mạnh trong việc nghiên cứu, chuyển đổi sử dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, dựa trên các quyền của con người (cụ thể là một số quyền về bảo đảm an sinh xã hội), nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm: “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi”.
 
nguyen-thi-ha.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà
Với nỗ lực của các cấp, các ngành và địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% cuối năm 2017, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thu nhập cũng giảm từ 7,47% xuống còn 5,81%, tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều giảm từ 2,41% xuống còn 0,87%).
 
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức như tốc độ giảm nghèo không đều, chưa bền vững giữa các vùng miền, nhóm dân cư, dân tộc thiểu số; nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6.4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều: Tỷ lệ của dân tộc Mông là 76,2%, Dao 37,5% và Khmer 23,7%. Nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo cao và giảm nghèo chậm, có tỷ lệ hôn nhân cận huyết cao; tỷ lệ tảo hôn cao; số năm đi học bình quân thấp; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ thấp.
 
ngheo-da-chieu.jpg
Từ phải sang: ông Phan Văn Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, bà Caitlin Wiesen và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà
Ngoài ra, trung bình cả nước thì cứ 10 người khuyết tật là người dân tộc thiểu số thì có hơn 4 người sống trong hộ nghèo đa chiều. Người khuyết tật sống trong hộ nghèo đa chiều tập trung nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm gần 1/3 tổng số người khuyết tật này trên cả nước. Trong mỗi 10 người khuyết tật nghèo đa chiều thì khoảng 4 người từ 65 tuổi trở lên và khoảng 1 trẻ em từ 2-14 tuổi. Khoảng cách lớn về tiếp cận giáo dục của người khuyết tật trong hộ nghèo đa chiều so với người không khuyết tật. Cả nước chỉ có 66,6% trẻ 5-14 tuổi khuyết tật trong hộ nghèo đa chiều đang đi học. Tỷ lệ người khuyết tật từ 15 đến 30 tuổi trong hộ nghèo đa chiều đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc hiện đang đi học chỉ có 17,2%, cách biệt hơn 25 điểm phần trăm so với người không khuyết tật cùng nhóm tuổi.
 
Trung bình cả nước có 35,9% số người trong nhóm người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên sống trong hộ nghèo đa chiều có làm việc để tạo thu nhập cho bản thân hoặc gia đình. Bên cạnh đó, ngoài hạn chế về một số chức năng nghe, nhìn, vận động, giao tiếp, nhận thức và thần kinh, người khuyết tật thường có thêm hạn chế về trình độ giáo dục nên cơ hội được làm việc của họ cũng không nhiều.
 
ngheo-da-chieu-3.jpg
Cần tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc miền núi thoát nghèo và được đến trường
Theo các chuyên gia, cần xây dựng các nền tảng thể chế và xã hội cho quá trình phát triển, cũng như việc quản lý tình trạng dễ bị tổn thương, khuyến khích sự tham gia của người dân để bảo đảm mọi người đều có đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân, đặc biệt là người nghèo trong tiến trình ra quyết định.
 
Bà Wiesen nhấn mạnh, ngoài việc mở rộng dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội theo hướng phổ quát, năng lực phát triển kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số cần được tăng cường, cùng với tiếp cận tài chính, ươm mầm khởi nghiệp và thị trường.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn