5 bước cần làm ngay nếu con bị xâm hại
Có những điều mà các bậc cha mẹ không ai dám nghĩ tới nhưng rất cần phải biết. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: "Một thanh gươm thậm chí dùng chỉ một lần trong đời thì cũng nên đeo theo mình mọi lúc".
Một phụ huynh đã hỏi tôi:
“Gần đây có nhiều thông tin chia sẻ về việc dạy con cách phòng chống xâm hại tình dục. Tôi đã thủ thỉ truyền đạt lại cho con những lúc cha con bên nhau. Bên cạnh đó, tôi vẫn lo lắng một điều rằng: Nếu không may con mình gặp nạn thì sao, mình phải làm gì?... Mong bác sĩ cho lời khuyên (Nguyễn Minh Ph., Q. Tân Bình, TPHCM).
Tổi hiểu nỗi lo lắng của bạn. Chẳng ai muốn tội ác ấy có ngày xảy ra với con mình, nhưng thử đặt mình vào tình huống xấu nhất để hình dung được “những việc cần làm ngay” bạn nhé.
Cha mẹ cần lưu ý các việc cần làm ngay nếu như con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Ảnh minh họa |
Nếu là nhân chứng hoặc thân nhân của 1 vụ xâm hại tình dục trẻ em, hãy tỉnh táo - từ tốn - tập trung làm những việc này:
1- Gọi đường dây nóng 1800 1567 để được hướng dẫn tỉ mỉ từ tìm hiểu thông tin đến nhờ tư vấn hay can thiệp. Đây là số điện thoại miễn phí của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH nhưng ít người biết tới.
Ngoài các trường hợp xâm hại tình dục, đường dây còn nhận giúp đỡ trẻ bị bạo hành về thể chất hoặc tinh thần, bị bỏ rơi, ngược đãi hoặc bị bắt cóc, tai nạn, đi lạc... Tất cả các máy điện thoại ở 64 tỉnh thành đều có thể gọi trực tiếp mà không cần bấm mã vùng, không tính tiền.
2- Giữ nguyên dấu vết trên người con trong vòng 24 giờ để phục vụ công tác điều tra: Không tắm rửa thay đồ cho con đến khi lấy mẫu xét nghiệm xong (mảnh da dưới móng tay do cào cấu, nước bọt, máu, tinh dịch, tóc của thủ phạm vương trên người nạn nhân,…).
Áo quần, đồ lót, đồ chơi, vật dụng có liên quan đến sự cố cần cho vào túi nilon để cung cấp cho cơ quan điều tra. Dẫu ngay lúc này cha mẹ chưa sẵn sàng tố cáo thủ phạm thì về sau vẫn còn những bằng chứng giúp các cơ quan pháp luật đưa sự việc ra ánh sáng.
3- Từ tốn hỏi con về sự việc xảy ra: Cha mẹ cần bình tĩnh, không quát mắng trẻ, không đổ lỗi cho trẻ. Cho dù trẻ ăn mặc như thế nào, đi khuya với ai, trót làm gì… thì cũng không phải là lý do để bé bị tấn công tình dục. Đây là một tội ác do kẻ ấu dâm gây ra và gia đình phải giúp con vượt qua.
Không gợi ý trước câu trả lời, đừng tra khảo như hỏi cung trẻ. Ghi chép hoặc ghi âm, quay clip lại cuộc nói chuyện, tránh cho trẻ sau này phải kể đi kể lại hoặc bị lấy lời khai bổ sung nhiều lần, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Chẳng khác nào bé lại bị “xâm hại” thêm nhiều lần nữa.
Trước mặt con tránh gọi thủ phạm bằng những từ “đồ súc sinh”, “con heo”, “thú vật”, "con quỷ", “ghê tởm”, “nhục nhã”, “dơ bẩn”,… khiến bé thấy mình mất giá trị, chỉ là đồ bỏ đi, bởi vì bị tai nạn thương tích với một con người dễ chấp nhận hơn là bị làm nhục bởi một con thú.
4- Vẽ hình người để con chỉ ra hoặc đánh dấu các vị trí bị đụng chạm, làm đau. Có thể "dựng lại hiện trường" với búp bê, thú nhồi bông.
5- Hỏi trẻ về các đặc điểm của đối tượng (dáng vẻ, giọng nói, quần áo, cử chỉ, động tác, cố tật, chẳng hạn sẹo, nốt ruồi, vết bớt - nói lắp, nói ngọng - hay khịt mũi, nấc - mùi cơ thể,… nếu là người lạ; tên tuổi, mối quan hệ với bé nếu là người quen; mốc thời gian, địa điểm xảy ra “tai nạn” nếu trẻ đã nhận biết được).
6- Nhanh chóng báo với các cơ quan có trách nhiệm: Làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an điều tra quận/huyện nơi mình cư trú hoặc nơi xảy ra vụ án. Trong quá trình điều tra có khó khăn thì phụ huynh cần liên hệ với Hội Phụ nữ, Hội Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, cơ quan báo chí hoặc luật sư xin trợ giúp về mặt pháp lý để vụ việc được xử lý theo quy định pháp luật. Tiến trình xử lý phải thực hiện đồng bộ vì mỗi lần tiếp xúc với trẻ là một lần làm cho trẻ tổn thương.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải đưa ra những lời khuyên hữu ích cho cha mẹ trước nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục. Ảnh FB Nguyễn Lan Hải |
Hãy ôm con vào lòng
Gia đình cần cố gắng giữ nguyên các thói quen sinh hoạt trong nhà như giờ đi ngủ, ăn tối và các quy định, để trẻ tái hoà nhập dễ dàng và không nhận thấy vì mình mà mọi thứ bị đảo lộn.
Đưa con đi bác sĩ khám và điều trị. Nếu bé không dám đến trường vì bị bạn bè hoặc thậm chí là các phụ huynh khác bàn tán thì có thể đề nghị nhà trường cho bé nghỉ học vài ngày đến vài tuần hoặc chuyển trường.
Lưu ý bảo mật thông tin về nạn nhân (hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ lớp học, nhà ở). Đừng quá chú trọng lao ra ngoài tìm công lý cho con mà quên mất chăm sóc con giai đoạn “hậu xâm hại” rất quan trọng ở trẻ.
Cho dù thủ phạm là người thân, người có quyền lực, người đáng kính hoặc người trong nhà thì cha mẹ vẫn phải đưa vụ việc ra xử lý chứ không thể làm ngơ. Việc cho qua không giúp được gì cho cả đứa trẻ lẫn kẻ ấu dâm và những người xung quanh, nó chỉ khiến người có hành vi xấu tiếp tục thực hiện việc xâm hại vì cho rằng họ sẽ luôn được bỏ qua, không phải đối diện với luật pháp.
Hãy ôm con vào lòng và mừng vì bé vẫn còn sống.