6 việc cặp đôi phải làm nếu muốn sinh con khỏe mạnh

08:00 | 13/08/2016;
‘Mang thai, sinh con là một bước ngoặc lớn trong cuộc đời mỗi phụ nữ, nếu không có sự chuẩn bị, mọi thứ sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lần’, bác sĩ Lê Tiểu My, BV Mỹ Đức (TP.HCM) chia sẻ.
Bác sĩ Lê Tiểu My cho biết: Để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh, điều hai vợ chồng cần làm cần làm trước hết là lên kế hoạch cho việc có con. Theo đó, ngoài thu xếp công việc, tài chính… thì chuẩn bị sức khỏe, khám sức khỏe là bước vô cùng quan trọng không thể bỏ qua. Mục tiêu của quá trình thăm khám này nhằm xác định những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thai nhi, điều trị bệnh lý nếu có và dự phòng những bệnh có nguy cơ truyền cho bé.

Một vài điều quan trọng các cặp vợ chồng cần lưu ý:

1. Tiêm phòng và dự phòng bệnh lây truyền: Để phòng một số bệnh truyền nhiễm nếu mắc phải khi bạn mang thai có khả năng làm bé bị dị tật hay mắc bệnh suốt đời như: Sởi, quai bị, Rubella… thì trước khi có thai một khoảng thời gian nhất định (tùy theo từng loại vaccine) người mẹ nên đi tiêm phòng. Ví dụ như tiêm phòng bệnh sởi – quai bị - rubella, nên tiêm trước khi có thai 3 tháng.

Ngoài các bệnh bệnh truyền nhiễm, một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể gây hại cho thai: Chlamydia, Herpes, Trichomonas, HIV, viêm gan siêu vi B, lậu, giang mai… Do đó, trước khi mang thai, vợ chồng cần đi khám để điều trị, nhằm tránh ảnh hưởng đến con nếu chẳng may mắc phải.
chuan-bi.jpg
Nên thăm khám trước khi mang thai để được bác sĩ tư vấn cách phòng, tránh các bệnh cho mẹ và con, nếu có 
2. Tiền sử bệnh tật của gia đình: Một số bệnh lý có thể di truyền cho con cái, gọi chung là bệnh di truyền. Khi thăm khám trước khi có thai, hai bạn nên cung cấp thông tin những bệnh lý mà gia đình chồng hay vợ mắc phải. Dựa trên thông tin này, bác sĩ sẽ có giải pháp để xác định xem con bạn có khả năng bị bệnh di truyền hay không; hoặc tư vấn cách phòng tránh.

3. Bệnh lý sẵn có: Cung cấp cho bác sĩ thông tin về các bệnh đã và đang mắc phải, đặc biệt là những bệnh phải uống thuốc hay điều trị lâu dài như tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, bệnh tim… Ngoài việc ảnh hưởng qua lại giữa thai kỳ và bệnh lý của mẹ (bệnh ảnh hưởng đến thai hoặc thai làm bệnh nặng hơn), bác sĩ sẽ giải thích cho bạn hiện tại có an toàn khi mang thai hay không, hoặc khi có thai hai bạn, đặc biệt là người mẹ cần làm gì.

4. Thuốc đang sử dụng: Thuốc không cần toa, thảo dược… hoàn toàn có thể gây hại cho con bạn. Ví dụ, thuốc trị mụn isotrtinoin có thể gây dị tật thai nhi nặng. Một số viên đa sinh tố 'uống cho khỏe' chứa hàm lượng vitamin A cao hay vô tình uống nhiều loại thuốc chứa hàm lượng vitamin giống nhau có thể quá liều cho phép đều gây tác hại đến thai. Tốt nhất trong trường hợp bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, khi đi khám nên mang theo vỏ/hộp để bác sĩ kiểm tra và tư vấn chi tiết.
mang-thai.jpg
 'Không lý do gì để anh ấy đứng ngoài sự chuẩn bị này'
5. Tiền sử những lần mang thai: Nếu từng mang thai và gặp trục trặc như sảy thai, thai lưu, sanh non, bị tăng huyết áp khi có thai, phải mổ lấy thai… bạn cần cung cấp thông tin chi tiết. Đặc biệt, khi từng bị sảy thai hay thai lưu, chị em nên để khoảng thời gian bình phục tinh thần và hy vọng vào điều tốt đẹp phía trước. Hầu hết phụ nữ sảy thai hay thai lưu đều có cơ hội sinh con bình thường.

6. Thực hành lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý, nếu quá gầy hay dư cân, tìm cách đạt cân nặng cho phép; sắp xếp công việc, cho mình thời gian nghỉ ngơi, thư giãn; tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày; dừng ngay những thói quen có hại: thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu...

Mang thai là việc trọng đại trong cuộc sống lứa đôi, do đó, chị em nên khuyến khích chồng cùng tham gia quá trình chuẩn bị như: đi xét nghiệm máu, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Không nên vì một lý do gì để anh ấy đứng ngoài sự chuẩn bị này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn