Sáng ngày 22/1/2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố kết quả điều tra Nhận thức, dự định khởi nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế đến các nhà nghiên cứu kinh tế, các chuyên gia và những người quan tâm đến vấn đề Phụ nữ khởi nghiệp.
Đây là cuộc điều tra trên phạm vi 10 tỉnh, thành phố đại diện cho hai miền Bắc, Nam trong cả nước với phương pháp điều tra trực tiếp đến 3.417 phụ nữ trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 55 tuổi). Cuộc điều tra được tiến hành trong 2 năm, từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2018.
Theo kết quả điều tra Nhận thức và dự định khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ có mong muốn, dự định khởi nghiệp chiếm tới 61,9%. Trong đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 35 có dự định khởi nghiệp khá cao. Ở độ tuổi càng cao, dự định khởi nghiệp của phụ nữ có xu hướng càng giảm.
Trong số phụ nữ có dự định khởi nghiệp, phần lớn phụ nữ mong muốn kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với hình thức đặc trưng là hộ kinh doanh cá thể (72,6%). Tỷ lệ phụ nữ muốn đầu tư vào doanh nghiệp khá khiêm tốn chiếm gần 15%. Có 11,5% tỷ lệ phụ nữ muốn thành lập trang trại.
Bên cạnh sự chênh lệch về tỷ lệ, cuộc điều tra còn cho thấy sự phân loại về xu hướng lựa chọn nghề nghiệp khởi nghiệp theo các nhóm nghề nghiệp hiện tại của phụ nữ. Phụ nữ nông dân muốn khởi sự kinh doanh ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hay lâm nghiệp; nhóm phụ nữ công nhân trong các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn ở lĩnh vực kinh doanh buôn bán; nhóm phụ nữ hiện đang là chủ (quản lý) tập trung vào lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống.
Cuộc điều tra cũng đề cập đến các yếu tố tác động đến dự định khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ như: Thái độ của phụ nữ với khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tác động từ bạn bè, gia đình, người thân đến dự định khởi nghiệp; khả năng kiểm soát hành vi của phụ nữ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…