69% công nhân may mặc không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt

07:46 | 27/02/2019;
Theo nghiên cứu của Oxfam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, 69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 96% công nhân cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. 6% công nhân cho biết, cuối thàng chỉ ăn cơm chan canh suông.
cong-nhan-may-mac-2.jpg
Nỗi lo tiền lương không đủ sống của công nhân may mặc (Ảnh minh họa)

 

Tại Tọa đàm “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy” ngày 26/2, Oxfam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn đã công bố kết quả nghiên cứu. Cuộc khảo sát được thực hiện tại 6 doanh nghiệp may qua phỏng vấn 157 người gồm công nhân, quản lý, chuyên gia, cán bộ Nhà nước. Dù chưa thể hiện bức tranh toàn ngành may nhưng qua đó nhiều đánh giá có giá trị nhất định đối với người sử dụng lao động, các nhà quản lý và người lao động. Theo kết quả khảo sát, vẫn có 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu và vẫn cùng con số 99% công nhân có mức thu nhập thấp hơn Sàn lương châu Á. 1/3 số công nhân không tiết kiệm được tiền, luôn trong tình trạng vay nợ. 69% công nhân được khảo sát cho biết, họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 96% công nhân cho biết không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. 6% công nhân cho biết, cuối tháng chỉ ăn cơm chan canh suông. 53% công nhân cho rằng không đủ tiền để trang trải những chi phí khám chữa bệnh, chi trả thuốc men.
 
toa-dam-oxfam.jpg
Các đại biểu tham gia Tọa đàm “Tiền lương không đủ sống và hệ lụy”

 

“Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói. Khi nói đến nghèo đói, chúng ta nói đến tình trạng người lao động không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản để có một cuộc sống tử tế cho họ và gia đình họ - không nhất thiết giống chuẩn nghèo chính thức của Chính phủ hoặc chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới. Những chuẩn nghèo này là chưa đủ để đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng” - Bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Phó Giám đốc tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định
 
Lương không đủ sống kéo theo nhiều hệ lụy đối với người công nhân, gia đình của họ và niềm tin đối với tương lai. Hầu hết công nhân trong nghiên cứu này đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái.
 
pham-thu-lan.jpg
Bà Phạm Thu Lan - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn

  

Bà Phạm Thu Lan - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu công nhân và Công đoàn cho rằng, mong đợi của công nhân may hiện nay là lương đủ sống trong điều kiện làm việc bình thường, trong giờ làm việc tiêu chuẩn và cường độ làm việc phù hợp.
 
Tiền lương thấp là kết quả của thương mại không công bằng trong chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu. Ngành may mặc là một ngành đầu tư sinh lợi lớn. Các nhãn hàng thời trang phát triển và nhanh chóng tăng doanh thu, đồng thời tìm cách tối đa hóa lợi nhuận và lợi tức cho cổ đông của họ. Trong khi các nước châu Á xác lập mức lương tối thiểu thấp để thu hút đầu tư nước ngoài thì các nhãn hàng cũng đóng vai trò lớn trong việc duy trì mức lương thấp này bằng việc đàm phán không minh bạch để ép giá các nhà máy sản xuất hàng may mặc ở các nước châu Á. Để đáp ứng đòi hỏi của nhãn hàng lớn, các nhà máy may buộc phải yêu cầu công nhân của họ làm việc nhiều giờ với mức lương thấp.
 
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã bàn về những khuyến nghị cụ thể cho các bên trong chuỗi cung ứng như các nhãn hàng và khách hàng quốc tế, các doanh nghiệp ngành may trong nước, Chính phủ, công đoàn và người tiêu dùng. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một lộ trình nâng mức lương tối thiểu lên mức lương đủ sống. Ông Lê Đình Quảng, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhấn mạnh: “Nhiều doanh nghiệp coi công nhân là một phần của họ, họ muốn trả cho công nhân mức lương cao hơn nhưng các nhãn hàng đối tác lại đưa ra đơn hàng với mức giá thấp hơn thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Đã đến lúc, Việt Nam không nên sử dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Có lẽ chúng ta phải so sánh giữa mức lương tối thiểu và mức lương đủ sống để thấy hiện vẫn còn một khoảng cách quá xa”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn