Hãy hình dung bạn đang ở trong một cửa hàng và con bạn bắt đầu nổi cơn “ăn vạ” vì chúng muốn một thanh kẹo hay món đồ chơi nào đó. Những câu như “Đừng khóc nữa” không giúp ích được gì và chiều theo đòi hỏi của con cũng không phải cách hay. Tình huống này có lẽ ai đã có con cũng đã từng gặp phải, nhưng luôn có cách giải quyết.
Bạn đã bao giờ nghĩ đến những cách dạy con cực kỳ thú vị và khác biệt dưới đây chưa? Hãy thử áp dụng vì có thể chúng sẽ hiệu quả bất ngờ.
Đừng yêu cầu con ngừng khóc khi chúng đang giận dỗi vì rõ ràng câu đó vô tác dụng với hầu hết mọi đứa trẻ. Nếu con bạn đang trong trạng thái “khủng hoảng tinh thần”, những gì bạn nên làm rất đơn giản, chỉ cần đánh lạc hướng chúng. Hãy hỏi chúng quần áo hoặc giày của con có màu gì. Trẻ nhỏ thường không nghĩ về những gì họ đang mặc và chúng sẽ phải bắt đầu tập trung vào câu hỏi này, từ đó mà tự dưng cũng quên mất về món đồ chơi hay thanh kẹo của mấy giây trước.
Trẻ con không hiểu được khi bố mẹ nói cho con thêm 5 hoặc 10 phút để chơi nốt hoặc hoàn thành bất cứ việc gì. Chúng chưa có cảm nhận và ước lượng được thời gian chính xác. Vậy nên thay vì nói “5 phút nữa” hãy nói “5 cú ném nữa” chẳng hạn nếu con đang chơi bóng rổ.
Xin đừng phớt lờ nếu con bạn muốn giúp đỡ bạn làm bất cứ chuyện gì, ngay cả khi chúng thực sự không đủ khả năng giúp. Mọi người đều cần nghe những lời nhận xét tích cực và được đánh giá cao. Học cách nói lời cảm ơn và xin lỗi với con trẻ vừa khiến con cảm thấy gần gũi hơn với cha mẹ và rất có ích cho mối quan hệ của bạn với con, bất kể ở độ tuổi nào.
Hãy suy nghĩ trước khi hỏi điều gì đó. Một số câu hỏi có thể khó trả lời đối với một đứa trẻ. Bố mẹ hãy lưu ý cách bạn đặt câu hỏi. Ví dụ, thay vì hỏi “Con có muốn ăn xúc xích bữa tối nay không?” thì cha mẹ nên hỏi “Con muốn sốt gì trên chiếc xúc xích của mình tối nay?”.
Trẻ em thích sự lựa chọn và kiểm soát. Vì vậy, chẳng hạn như khi bạn đi ra ngoài, hãy hỏi con muốn mặc chiếc áo nào. Nhưng hãy cụ thể hơn với câu hỏi của bạn. Thay vì “Cái nào?” tốt hơn là chúng ta nên hỏi “Vàng hay đỏ?”.
Thế nhưng cha mẹ đừng cho con lựa chọn nếu không có lựa chọn thực sự. Những câu hỏi như “Chúng ta có nên về nhà không?” để thông báo con là đã hết giờ chơi hoàn toàn không phải cách nói thông minh. .
Hãy làm gương cho con bạn. Nếu bạn bảo con đi ngủ nhưng bạn vẫn ngồi trước TV và chơi điện thoại thì chúng sẽ cảm thấy kỳ lạ và bất công. Ít nhất hãy giả vờ rằng bạn cũng đi ngủ sớm.
Khi bạn có 2, hoặc thậm chí 3 đứa trẻ cùng tuổi, có thể xảy ra những cuộc tranh giành đồ chơi, trò chơi và những thứ khác trong nhà thường xuyên. Cách giải quyết thông minh là quy định cụ thể món đồ chơi đó thuộc về người nào vào ngày nào lần lượt. Vì vậy, nếu có một “cuộc chiến” nổ ra, cha mẹ chỉ cần hỏi “Hôm nay là ngày của ai?” và sau đó tranh luận sẽ kết thúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn