7 bộ phim ‘nặng ký’ tranh Giải Cành cọ vàng

09:35 | 12/05/2016;
Năm nay có tới 21 bộ phim cạnh tranh Cành cọ vàng - giải thưởng lớn và danh giá của điện ảnh thế giới. Hầu hết phim đều của các đạo diễn gạo cội và từng được đề cử nhiều lần cho giải thưởng này những năm trước đây.

“Aquarius” (Bảo Bình)

Một cảnh trong phim 'Bảo Bình'

Một ngoại lệ đáng chú ý là đạo diễn Kleber Mendonca Filho với bộ phim Aquarius. Bộ phim kể về một nữ nhạc sĩ đã giải nghệ với khả năng du hành thời gian. Không chỉ vẽ ra sự viễn tưởng, bộ phim còn khắc hoạ cho khán giả thấy cuộc sống đương đại đầy lo âu và căng thẳng của người dân Brazill. Với chất Mỹ latin “đậm đặc”, Bảo Bình xứng đáng là một trong ứng cử viên nặng ký cho Cành cọ vàng.

“Ông kẹ”


Trailer phim "Ông Kẹ"

Trong “The BFG” (Ông kẹ), Steven Spielberg đã khơi dậy sự sợ hãi của những đứa trẻ trên toàn thế giới bằng câu chuyện về một cô bé ở trại trẻ mồ côi và ông kẹ - người khổng lồ - chỉ xuất hiện vào ban đêm.

Ngay từ trailer, đạo diễn đã “nắn gân” người xem bằng những đúp phim cắt cúp khéo léo chỉ vừa đủ khiến khán giả hoảng sợ - nhưng đó không phải sự hoảng sợ như xem một bộ phim ma, mà chỉ vừa đủ như cảm giác bị doạ thời niên thiếu. Bộ phim đầy tính bất ngờ này cũng được Hội đồng nghệ thuật của LHP năm nay đánh giá cao.

“Elle”

Một cảnh trong "Elle"

24 năm kể từ bộ phim “Black Instinct”, đạo diễn Paul Verhoeven mới lại thực hiện được một bộ phim thực sự được đánh giá cao là “Elle”. Cũng trong 24 năm, đây là lần đầu tiên ông có một bộ phim được chọn để tranh giải Cành cọ vàng danh giá.

Bộ phim tâm lý kể về người phụ nữ bị hãm hiếp và hành trình tự mình điều tra để truy tìm kẻ đã thưc hiện điều đó với mình. Ngoài những tình tiết trinh thám hấp dẫn và những cảnh quay đẹp, bộ phim còn thể hiện sự vượt lên nỗi sợ hãi của người phụ nữ để tự tìm công lý cho mình.

Nhiều người cho rằng đây là một bộ phim có yếu tố tính dục cao nhưng những tình tiết bất ngờ và cách tháo-mở nút thắt tài tình của đạo diễn, Elle xứng đáng được đứng trong danh sách những bộ phim nặng ký của giải thưởng.

“Neruda”

Phim 'Neruda'

Cũng đã 4 năm sau bộ phim “No”, đạo diễn Pablo Larrain mới lại ghi dấu ấn bằng một bộ phim “Neruda”. Bộ phim của đạo diễn người Chile kể về quãng thời gian chạt trốn của một nhà thơ - nhà chính trị Luis Gnecco.

Đến vùng đất mới, ông hy vọng tìm được một công việc, một cuộc hôn nhân và một cuộc sống hoàn toàn mới. Bộ phim được đánh giá cao bởi sự xây dựng nhân vật tinh tế, sâu sắc - đây là việc khá khó khi thực hiện các bộ phim kiểu tiểu sử của những người nổi tiếng.

“Risk” (Nguy cơ)

Một cảnh trong phim 'Risk'

Bộ phim được xây dựng dựa trên những tài liệu về Edward Snowden và những cảnh quay của Julian Assange trong vụ tiết lộ bí mật Wikileaks đình đám những năm trước, đạo diễn Laura Poitras đã thực hiện bộ phim này.

Bà đã theo dõi Assange từ năm 2010 cho tới khi anh ta tìm được nơi trú ngụ tại Đại sứ quán Ecuado ở London, Anh. Dù là phụ nữ nhưng những chi tiết bà đưa vào phim lại mạnh mẽ và quyết liệt không thua kém bất kỳ đấng mày râu nào. Đó là điểm hấp dẫn của phim.

“The Salesman” (Người bán hàng)

Đôi vợ chồng Iran trong 'The Salesman'

Bộ phim của đạo diễn Asghar Farhadi được bổ sung vào danh sách vào phút chót. Bộ phim kể về một người bán hàng siêu hạng của Iran nhưng thực chất lại nói về mối quan hệ đầy rắc rối giữa ông và vợ. Hội đồng nghệ thuật của giải thưởng cho rằng, Asghar Farhadi đã thực hiện một bộ phim xoay quanh những phức tạp của cuộc sống gia đình hiện đại ở Iran qua cái nhìn rất sâu sắc và tỉ mỉ.

“The Handmaiden” (Những người hầu gái)

Poster phim 'Những người hầu gái'

Bộ phim của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-Wook đã mượn bối cảnh Hàn Quốc vào những năm 1930 khi nước này còn bị Nhật đô hộ để nói về âm mưu của một kẻ lừa đảo, thuê cô bé móc túi giả làm người hầu gái nhằm chiếm tài sản của một phụ nữ thượng lưu. Ngoài những thước phim đẹp, đạo diễn trở về từ Hollywood còn khắc hoạ sự rối ren của xã hội Hàn Quốc thời bấy giờ.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn