7 cách để cha mẹ 'làm bạn' cùng con

14:53 | 18/12/2018;
Dưới đây là một số gợi ý hữu ích để cha mẹ thêm hiểu và gần gũi hơn với các con, giúp tạo nên những niềm vui, hạnh phúc trong gia đình.

Luôn xuất hiện đúng lúc

Con trẻ coi sự hiện diện của cha mẹ là một dấu hiệu của sự quan tâm và kết nối. Bởi thế, cha mẹ hãy sẵn sàng có mặt để nói chuyện với con, hỗ trợ con tham dự các sự kiện, cổ vũ con trong các hoạt động khác nhau có ý nghĩa đặc biệt với chúng. Cha mẹ cũng có thể sáng tạo về cách cổ vũ, xuất hiện bên con của mình khi chúng cần. Con trẻ sẽ thực sự vui và hạnh phúc với sự hiện diện đúng lúc của cha mẹ.

cha-me-va-con-cai-1.jpg
Ảnh minh họa

Công nhận và khuyến khích

Hãy khiến con trẻ cảm nhận chúng được đánh giá cao và yêu thương. Sự công nhận và tự hào của cha mẹ dành cho những việc con trẻ đã làm được sẽ giúp chúng thực sự tự tin. Nói “Cha/mẹ tự hào về con” và trao cho chúng nhiều hơn những cái ôm tình cảm, ấm áp, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho con trong cuộc sống. Thay vì mỗi ngày chỉ quan tâm nói tới danh sách các việc con cần phải làm, cha mẹ hãy chia sẻ, chuyện trò thoải mái hơn về sở thích của con sau khi chúng đi học về và trước khi chúng đi ngủ. Bỏ qua những kỳ vọng không thực tế đối với con, cha mẹ nên khuyến khích con trẻ theo đuổi các lĩnh vực mà chúng quan tâm và yêu thích.

Quan sát và lắng nghe

Tìm hiểu con trẻ xem gì trên tivi và trên những trang web chúng truy cập, loại nhạc nào con thích nghe và trò chơi nào con thường chơi. Quan sát và lắng nghe con trẻ thường xuyên nhất có thể để hiểu chúng. Từ đó, cha mẹ mới có thể là “người bạn” mà con có thể tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ của mình dễ dàng hơn. Lắng nghe để thấu hiểu hơn về con, cha mẹ cũng sẽ có những câu trả lời, sự giải thích phù hợp cho những tò mò, thắc mắc của con ở từng lứa tuổi.

Giao tiếp tích cực

Là ngôn ngữ của tình yêu cha mẹ dành cho trẻ. Cha mẹ nên trò chuyện cởi mở với con. Quan trọng nữa là hãy lắng nghe tích cực, chú tâm thực sự bất cứ khi nào con trẻ kể chuyện, chia sẻ về suy nghĩ, cảm xúc với mình. Không ngại nói lời xin lỗi với con trẻ nếu cha mẹ đã làm điều gì đó sai. Giao tiếp tích cực là con đường giúp cha mẹ và con cái hiểu rõ hơn về nhau. Từ đó, các thành viên trong gia đình luôn tìm được cách thức để giải quyết tốt mọi vấn đề gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Cùng vui chơi

Một trong những điều mang đến sự kết nối nhanh chóng trong gia đình chính là việc cùng vui chơi. Cha mẹ và con cái nên dành thời gian cho các kỳ nghỉ, vui chơi tại nhà, đi chơi, đi ăn uống, luyện tập thể thao thường xuyên cùng nhau... Chia sẻ niềm vui cùng nhau sẽ xây dựng được nhiều những kỷ niệm gia đình, có thể gắn kết các thành viên một cách mạnh mẽ nhất.

Dành thời gian chất lượng

Cha mẹ không nên bỏ bê việc dành thời gian chất lượng cho con vì bất cứ điều gì, bao gồm cả sự nghiệp. Nếu mẹ thích đọc truyện cùng con, bố thích chơi những trò chơi vận động cùng con, hãy làm cùng con. Cha mẹ tìm ra những điều mình và con cùng thích, cảm thấy thú vị để dành thời gian vui vẻ và thư giãn, tránh cảm giác bị ép buộc. Đặt điện thoại xuống, rời khỏi màn hình máy tính, cha mẹ hãy tìm tới những hoạt động mang lại nhiều tương tác nhất để thời gian bên con có ý nghĩa thực sự.

Tôn trọng và yêu thương

Cha mẹ hãy cho con thấy chúng được tôn trọng trong cư xử, với không gian riêng hay các mối quan hệ của con. Đặc biệt, cha mẹ hãy tôn trọng lựa chọn, quyết định của con, đừng bắt ép chúng phải thỏa mãn những kỳ vọng của mình. Cha mẹ cũng hãy để trẻ cảm nhận được sự yêu thương khi đươc sống trong một gia đình ổn định và hạnh phúc. Ở đó có tình yêu cha mẹ dành cho con. Chúng nhận được sự chăm sóc, yêu thương vô điều kiện của cha mẹ. Ở đó có tình yêu, sự quan tâm, tôn trọng cha mẹ dành cho nhau mà khi nhìn vào đó, con trẻ luôn cảm thấy bình yên và an toàn.

Kỳ sau: Tiêu chí ứng xử chung của Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Ban hành theo quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 8/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đối tượng áp dụng của

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình:

Tiêu chí ứng xử được áp dụng cho các thành viên trong gia đình (theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH13) bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể, anh, chị, em cùng cha, mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn