7 câu nói khiến trẻ tổn thương nhất, câu thứ 3 nhiều cha mẹ lạm dụng vì nghĩ vô hại

22:27 | 03/09/2023;
Đừng thực sự đợi đến khi trẻ hoàn toàn không chịu giao tiếp rồi mới trách móc trẻ không hiểu và không biết ơn cha mẹ.

Cách giao tiếp đúng đắn không chỉ có thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái mà còn trở thành chất xúc tác để trẻ phát triển tích cực. 

Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc: "Tại sao chúng ta khuyên răn mà trẻ lại không muốn nghe?"; "Rõ ràng là vì lợi ích của trẻ nhưng tại sao trẻ lại không trân trọng điều đó?". Trên thực tế, nguyên nhân cơ bản là những lời nói tha thiết của chúng ta không nhất quán với những thông tin mà con cái thực sự tiếp nhận.

7 câu nói khiến trẻ tổn thương nhất: Câu thứ 3 nhiều cha mẹ lạm dụng vì nghĩ vô hại - Ảnh 1.

Hãy tránh xa 7 câu gây tổn thương sau đây:

Khi cha mẹ nói: "Im đi, sao con không vâng lời?"

Suy nghĩ của trẻ: "Lời khuyên của cha mẹ là đúng đắn nhất. Tôi không được có suy nghĩ của riêng mình".

Nhiều bậc cha mẹ tưởng chừng như đang hỏi ý kiến con một cách dân chủ khi giao tiếp với con nhưng thực tế họ hoàn toàn phớt lờ suy nghĩ thực sự của con. Bằng cách áp đặt ý tưởng của riêng mình lên con cái, cha mẹ càng củng cố thêm vị thế quyền lực tuyệt đối của mình trong gia đình.

Nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ không có tư duy độc lập không nên là mục đích giáo dục của gia đình. Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc thật, hỏi trẻ "con nghĩ gì" và hỗ trợ trẻ nỗ lực trong khả năng của mình, đây là điều cha mẹ thực sự nên làm.

Khi cha mẹ nói: "Con không thể làm được nếu cha mẹ nói không"

Suy nghĩ của trẻ: "Vì mẹ đã trưởng thành nên con chỉ có thể tuân theo sự sắp xếp của mẹ thôi".

Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) từng chia sẻ một hiện tượng phổ biến trong việc nuôi dạy con cái: "Cha mẹ nói không được chơi với trẻ hư nhưng trẻ sẽ lén lút chơi, thậm chí còn nói dối để “che đậy”. Tại sao cha mẹ ra lệnh rõ ràng nhiều lần nhưng con cái lại không nghe?Thực tế là bởi vì khi trẻ gặp vấn đề, cha mẹ thường xử lý bằng những lời buộc tội, sau đó ép con làm, trẻ tự nhiên sẽ có tâm lý nổi loạn.

"Nguyên tắc giao tiếp đồng cảm" được chỉ ra trong cuốn sách "Bảy thói quen của người thành đạt", trong đó chỉ ra rằng khi giao tiếp, bạn cần hiểu suy nghĩ của đối phương trước, sau đó mới để đối phương hiểu được suy nghĩ của chính bạn.

Vì vậy, khi có bất đồng quan điểm với trẻ, thay vì ép buộc can thiệp, tốt hơn hết bạn nên kiên nhẫn lắng nghe suy nghĩ của trẻ. Tôn trọng sự lựa chọn của trẻ và lắng nghe lý do đằng sau  cũng là cách xây dựng sự giao tiếp và tin tưởng với con mình.

Khi cha mẹ nói: "Cha mẹ không quan tâm con nữa, con muốn làm gì thì làm"

Suy nghĩ của trẻ: "Con không tốt, cha mẹ không cần con".

Trong một siêu thị, cậu bé nọ cầm món đồ chơi trên tay, rưng rưng nước mắt nhìn mẹ cầu xin. Người mẹ ngước mắt nhìn giá ghi trên kệ, khẽ nhíu mày. Chi phí tháng này đã vượt quá ngân sách, không thể tiêu tiền vào những món đồ chơi vô nghĩa này. Chị hứa với con lần sau sẽ mua, nhưng đứa trẻ lên 5 biết rằng mẹ đang dối mình. Cậu òa khóc.

Tiếng khóc của đứa trẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhân viên và rất đông người qua đường. Thấy con ương ngạnh, người mẹ cuối cùng cũng "chiến thắng" bằng một lời đe doạ: "Mẹ chỉ đếm đến  3thôi. Con không bỏ đồ chơi xuống, mẹ sẽ không cho con đi về nhà đâu". Nghe mẹ nói vậy, đứa trẻ lập tức nín khóc.

Đối với cách làm của người mẹ này, nếu phân tích kỹ từ góc độ dài hạn, bạn sẽ thấy rằng mặc dù tổn thất về tài chính có thể tránh được nhưng cách giáo dục này sẽ có tác động xấu đến tính cách của đứa trẻ.

"Bố/mẹ chỉ đếm đến 3", "Bố/mẹ không yêu thương con nếu con làm điều này một lần nữa"; "Con muốn làm gì thì làm"... Về cơ bản, mọi đứa trẻ đều nghe thấy những câu nói quen thuộc này trong thời thơ ấu. Mỗi khi những lời đe dọa này này phát ra, hiệu quả luôn thấy được ngay lập tức.

Nhưng, những lời nói ấy đã gây ra bao nhiêu tổn thương cho tâm hồn non nớt của trẻ, liệu cha mẹ đã thực sự nghĩ đến và cân nhắc hay chưa? Những đứa trẻ hay bị đối xử như vậy thường có một điểm chung là rụt rè và bất an. Biểu hiện rõ ràng và trực tiếp nhất ở trẻ: sợ bóng tối, sợ đi nhà trẻ, sợ ngủ một mình.

Khi cha mẹ nói: "Con không có nhiều hứa hẹn nên sau này cứ đi nhặt rác thôi"

Suy nghĩ của trẻ: "Con tệ quá".

“Hiệu ứng Aronson” trong tâm lý học, ám chỉ thái độ tiêu cực dần dần khi phần thưởng giảm đi và thái độ tích cực dần dần khi phần thưởng tăng lên. Sự động viên, khẳng định của cha mẹ đối với con cái chính là phần thưởng lớn nhất dành cho chúng.

Càng nhiều phần thưởng như vậy thì trẻ càng tiến bộ nhanh hơn, ngược lại, càng có nhiều nhận xét tiêu cực thì trẻ càng dễ coi đó là cái mác của riêng mình, từ "có lẽ không làm được" đến "thật sự không làm được". 

Khi cha mẹ nói: "Con thích chơi nhưng học thì lười biếng"

Suy nghĩ của trẻ: "Mẹ chỉ hài lòng nếu con là một cỗ máy học tập".

Trẻ con đi học, khả năng khác nhau, kết quả khác nhau. Bố mẹ không nên so sánh, bực tức, thất vọng, đay nghiến khi con mình kém cỏi, thua xa "con nhà người ta". Các con dù học giỏi hay học bình thường đều xứng đáng được bố mẹ yêu thương, chăm sóc… 

Hãy để con được vui chơi và lớn lên mạnh khỏe bên cạnh học hành. Trẻ em vốn tính hiếu động. Cả ngày phải ngồi ở trường đã khiến con vô cùng bí bách rồi, nên con rất cần được giải phóng cảm xúc và thể chất sau giờ học. Nhờ vậy trẻ mới trở nên vui vẻ hơn và có động lực làm các việc khác. Vì vậy, thứ tự của việc học và chơi nên được cân nhắc bởi nhiều yếu tố chứ không phải tùy tiện chọn lựa.

Khi cha mẹ nói: "Tại sao con không giỏi bằng người khác?"

Suy nghĩ của trẻ: "Con không bằng người khác và con luôn tệ trong mắt bố mẹ".

Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con nhà người ta ngoan ngoãn, hiểu chuyện và học giỏi, đọc sách mỗi ngày và không bao giờ chơi điện thoại di động, đi ngủ sớm và dậy sớm, biết làm việc nhà.

Đối với trẻ em, "con nhà người ta" không phải mục tiêu phấn đấu mà giống như một lời nguyền, sẽ chỉ gây ra áp lực vô tận.

Mỗi đứa trẻ đều có quy luật lớn lên của riêng mình. Thay vì sử dụng sự so sánh để khiến trẻ cảm thấy thấp kém, nhạy cảm và ganh đua, tốt hơn hết là bạn nên chấp nhận con người thật của con và để con tỏa sáng trên sân khấu của chính mình.

Khi cha mẹ nói: "Con lại sai rồi, con thật ngốc!"

Suy nghĩ của trẻ: "Con là kẻ thất bại".

Khi thấy con thi trượt, bài kiểm tra bị điểm kém, ngay lập tức nhiều phụ huynh đã lên án, thậm chí kết luận về nhân cách của con. Ngoài ra, một số người thay vì dạy con cách vượt qua những tình huống khó khăn bằng cách rút kinh nghiệm thì lại cấm, không cho con làm việc đó nữa hoặc tìm cách đổ lỗi thất bại cho ngoại cảnh hay một ai khác... Đây đều không phải là cách xử lý phù hợp.

Có câu nói: "Đừng dùng cảm xúc của mình để đổ lỗi cho con cái về những thất bại của chúng". Một đứa trẻ phải đối mặt với thất bại, nếu không tìm được sự động viên từ cha mẹ, những cảm xúc bực bội không được hướng dẫn và trút bỏ đúng cách, trẻ sẽ dễ trở nên thiếu tự tin, rụt rè và cuối cùng không chịu thử sức mình.

Giáo dục trẻ em là một hành trình dài cả đời. Trong quá trình này, đứa trẻ đang lớn lên và cha mẹ cũng lớn lên. Những hành vi giao tiếp "thô bạo" có thể dễ dàng mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng khi trẻ lớn lên, có khả năng chống lại cha mẹ thì sẽ khó "phục tùng" và dễ dàng nổi loạn.

Trẻ em là những cá thể sống độc lập, cần được tôn trọng, thấu hiểu, tin cậy, cần giao tiếp trên cơ sở bình đẳng, có như vậy trẻ mới hình thành được lòng tự trọng, sự tự tin và có nhân cách.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn