Trong nhiều tình huống, những câu nói của phụ huynh có thể làm tăng thêm sự khó chịu cho con, khiến chúng khó kiểm soát được cơn tức giận. Phụ huynh nên tham khảo những gợi ý dưới đây để giúp con xoa dịu ngay tình hình.
1. Thay vì nói: "Đừng có ném đồ chơi như thế nữa", phụ huynh hãy thử: "Con ném đồ chơi đi như thế, bố/mẹ nghĩ rằng con không thích chúng nữa. Có đúng vậy không con? Không nên để tình hình thêm căng thẳng, phụ huynh có thể làm mẫu cách diễn đạt một tình huống theo quan điểm của mình. Từ đó con sẽ có cơ hội và biết cách diễn đạt lại sự việc, nói ra suy nghĩ của con. Ảnh minh họa: iStock
2. Thay vì nói: "Thôi nhé, con hết thời gian khóc lóc rồi đấy", phụ huynh hãy thử: "Bố/mẹ cùng con ra ban công chơi một chút nhé". Hướng con tới một không gian khác để kết nối với con, giúp con thay đổi tâm trạng hoặc quên đi sự việc đang diễn ra. Ảnh minh họa: GettyImages
3. Thay vì dọa: "Ăn cơm ngay hoặc con sẽ phải nhịn đói đi ngủ", phụ huynh hãy thử: "Con muốn bắt đầu ăn cơm cùng món nào trước tiên, bố/mẹ có thể giúp con chọn". Con có thể vui vẻ hơn khi cùng phụ huynh tìm và lựa chọn giải pháp. Chúng sẽ không thấy khó chịu giống như bị ép buộc làm theo ý muốn của người khác. Ảnh minh họa: St
4. Thay vì chê bai: "Căn phòng của con quá bẩn và bừa bộn, hãy dọn dẹp ngay đi", phụ huynh hãy thử: "Con có thể bắt đầu dọn góc phòng nhỏ bừa bộn này trước. Bố/mẹ có thể giúp con một tay". Phụ huynh không nên bắt đầu từ việc chê bai và muốn con dọn dẹp một đống hỗn độn lớn ngay lập tức. Điều phụ huynh nên làm là chuyển mục tiêu sang hướng đơn giản hơn. Để con bắt tay làm một việc không mong muốn mà không khó chịu, phụ huynh cần gợi ý từ những việc nhỏ, vừa sức. Ảnh minh họa: GettyImages
5. Thay vì nhắc nhở: "Con đừng có làu bàu mãi thế", phụ huynh hãy thử: "Bố/mẹ thấy con đang khó chịu. Vậy con có cách nào làm tốt hơn không?". Nếu con không ngừng làu bàu, phàn nàn về việc học, việc nhà, về mâu thuẫn với anh, chị em trong nhà… phụ huynh hãy đề nghị con suy nghĩ về các giải pháp. Chỉ khi nói ra suy nghĩ, tự chọn cách làm, con sẽ không có cảm giác phải "đối đầu" với bố/mẹ. Ảnh minh họa: GettyImages
6. Thay vì nói: "Đừng có nói ‘Không’ với bố/mẹ", phụ huynh hãy thử: "Bố/mẹ hiểu con không muốn điều này. Giờ chúng ta cùng xem có thể làm gì khác hơn không nhé". Bằng cách chấp nhận con trả lời "Không", phụ huynh có thể giảm tình hình căng thẳng giữa mình và con. Thay đổi kịch bản để cùng con tập trung tìm ra một giải pháp giải quyết vấn đề gặp phải. Ảnh minh họa: GettyImages
7. Thay vì hỏi: "Bố/mẹ đã nhắc con việc này bao nhiêu lần rồi?", phụ huynh hãy thử : "Bố/mẹ đã nói nhưng có thể con không nghe rõ. Bố/mẹ nhắc lại một lần này và con nói lại xem con cần làm gì nhé?". Phụ huynh nên nhẹ nhàng yêu cầu con nhắc lại những gì nghe được từ điều mình nói. Cách này có thể xóa tan cơn tức giận của phụ huynh và con cũng hiểu rõ việc chúng cần làm mà không khó chịu. Ảnh minh họa: St