Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa, chuyển hóa và giải độc nên rất dễ bị tổn thương. Các yếu tố từ môi trường ô nhiễm, ăn uống và lối sống không lành mạnh đều ảnh hưởng trực tiếp tới sự hoạt động của gan và khiến gan bị suy yếu. Gan bị tổn thương mãn tính có thể dẫn tới bệnh gan như viêm gan, suy gan, xơ gan. Vậy gan có tự phục hồi không? Cách phục hồi chức năng gan như thế nào?
Gan của bạn có thể tự chữa lành và tái tạo. Mô gan có thể phát triển trở lại sau khi bị tổn thương, thậm chí khi bị cắt bỏ. Điều này là do gan có thể làm to các tế bào gan hiện có. Sau đó, các tế bào gan mới phát triển và nhân lên ở vùng bị thương hoặc cắt bỏ.
Tuy nhiên, bệnh gan có thể ảnh hưởng đến khả năng chữa lành của gan. Sẹo và viêm có thể làm chậm quá trình lành và thậm chí ngừng quá trình lành.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương, quá trình lành lại hoàn toàn có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổn thương đều có thể phục hồi. Nếu tổn thương gan lan rộng và kéo dài có thể không thể phục hồi hoàn toàn.
Khi gan đang trong quá trình tái tạo và phục hồi, bạn sẽ nhận thấy 7 dấu hiệu tích cực này:
- Giảm tình trạng sương mù não: Khi gan hoạt động kém có thể tạo ra một lượng độc tố dự trữ trong cơ thể, đặc biệt gan suy yếu thì không thể loại bỏ chất độc hại như amoniac (có trong ruột). Điều này có thể cho phép các chất độc hại đi vào não và gây ra tình trạng khó suy nghĩ rõ ràng, dẫn đến lú lẫn và sương mù não. Nhưng quá trình chữa lành gan có thể cải thiện khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ của bạn.
- Tăng năng lượng: Chức năng gan giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chậm chạp. Nhưng khi gan của bạn phục hồi, năng lượng của bạn cũng có thể phục hồi.
- Giảm đau: Viêm gan có thể gây ra cảm giác đau đớn. Khi gan của bạn tái tạo, tình trạng viêm có thể giảm và cơn đau của bạn cũng có thể giảm.
- Cân nặng ổn định: Gan có mối liên hệ với quá trình trao đổi chất nên khi chức năng gan bị suy giảm cũng có thể ảnh hưởng đến cân nặng của bạn. Những người mắc bệnh gan thường bị thiếu hụt dinh dưỡng và tăng cân không chủ ý. Nhưng bạn có thể kiểm soát cân nặng dễ dàng hơn khi gan lành lại vì quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn.
- Phục hồi màu da và mắt: Vàng da và vàng mắt là triệu chứng điển hình của bệnh gan do lượng bilirubin dư thừa. Bilirubin là một hợp chất có trong hồng cầu giúp vận chuyển oxy. Gan phân hủy các tế bào hồng cầu vào cuối chu kỳ sống của chúng. Tuy nhiên, khi gan không thể làm được điều này, bilirubin sẽ tích tụ trong máu, khiến da và mắt bạn trông có màu vàng.
Khi bạn thấy da và mắt trở lại màu da bình thường và hồng hào hơn thì đây là tín hiệu đáng mừng cho gan. Lúc này có thể gan đã lấy lại được khả năng phân hủy các tế bào máu cũ, ngăn ngừa lượng lớn bilirubin tích tụ trong máu.
- Ăn nhiều hơn: Khi bị bệnh gan, người bệnh thường cảm thấy chán ăn. Điều này có thể do quá trình tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng. Khi cảm giác thèm ăn trở lại hoặc tăng lên, điều này có thể cho thấy sức khỏe gan của bạn đang được cải thiện.
- Màu phân bình thường: Bệnh gan có thể ảnh hưởng đến màu phân do ảnh hưởng từ mật. Mật được sản xuất bởi gan. Nếu gan của bạn không hoạt động tốt và không sản xuất đủ mật, hoặc nếu ống dẫn mật của bạn bị tắc, bạn sẽ có phân nhạt màu hoặc màu đất sét.
Hơn nữa, cơ thể bạn cần mật để tiêu hóa thức ăn béo. Cơ thể sẽ không tiêu hóa chất béo tốt nếu không có đủ mật. Trong trường hợp này, chất béo sẽ vẫn còn trong phân của bạn. Phân béo sẽ nổi trong bồn cầu và có mùi hôi thối.
Phân có màu sắc bình thường và không có chứa chất béo, có thể gan của bạn đang sản xuất nhiều mật hơn. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy sức khỏe gan của bạn đang được cải thiện.
Ngoài 7 dấu hiệu trên, bạn cũng có thể kiểm tra chức năng của gan qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm chức năng gan thường bao gồm việc kiểm tra nồng độ các chất sau đây:
- Albumin: Một loại protein được sản xuất bởi gan
- Tổng lượng protein: Tổng nồng độ protein trong máu
- Enzym gan: Phosphatase kiềm (ALP), alanine transaminase (ATP), aspartate aminotransferase (AST) và gamma-glutamyl transferase (GGT); các enzym này được giải phóng vào máu khi gan bị tổn thương
- Bilirubin: Một hợp chất được giải phóng từ các tế bào hồng cầu khi gan không phân hủy chúng
- Thời gian prothrombin: Xét nghiệm đo tốc độ đông máu của bạn
Trong khi việc nhận biết các dấu hiệu phục hồi gan là điều cần thiết, việc tích cực hỗ trợ gan trong quá trình tái tạo cũng quan trọng không kém. Sau đây là một số mẹo giúp tăng cường sức khỏe gan và hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng gan:
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có thể hỗ trợ sức khỏe gan. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chẳng hạn như quả mọng, rau lá xanh và các loại hạt cũng rất hữu ích trong việc chống lại stress oxy hóa và thúc đẩy quá trình chữa lành.
- Uống đủ nước: Uống nhiều nước hỗ trợ quá trình giải độc và giúp gan hoạt động tối ưu. Lượng nước bạn uống sẽ tùy vào thể trạng và hoạt động hàng ngày của mỗi người. Nhưng bạn nên bổ sung khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất giúp cải thiện lưu thông máu và giúp điều chỉnh cân nặng cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Bạn nên đặt mục tiêu tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.
- Không uống rượu: Rượu có thể cản trở đáng kể quá trình chữa lành, do đó bạn nên bỏ rượu và thay bằng các loại đồ uống lành mạnh hơn.
- Tránh tiếp xúc với độc tố: Giảm thiểu tiếp xúc với hóa chất và độc tố có hại trong các sản phẩm gia dụng, thuốc trừ sâu và thực phẩm chế biến.
Trên đây là những giải đáp cho vấn đề "gan có tự phục hồi không?" và cách phục hồi chức năng gan. Nhìn chung, mặc dù gan có thể phục hồi nhưng nếu bạn nhận thấy các triệu chứng như vàng da, đau và sưng bụng, ngứa da, nước tiểu sẫm, buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, bạn nên đến bệnh viện thăm khám. Một số bệnh lý về gan cần được điều trị ngay mà không thể dựa vào sự phục hồi tự nhiên của gan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn