Trên thực tế, hầu hết mọi người không biết mình bị tiểu đường cho đến khi các triệu chứng thực sự rõ ràng và được bác sĩ chẩn đoán.
Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính khiến lượng glucose (hoặc đường) trong cơ thể tăng cao. Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh và thận, giảm thị lực và hơn thế nữa. Ngay cả khi bạn bị tăng lượng đường trong máu nhẹ, các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng.
Dưới đây là 7 dấu hiệu xuất hiện vào buổi sáng có thể cảnh báo bệnh lý này.
Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là khát nước quá mức, được y học gọi là chứng khát nhiều.
Tại sao những người bị tiểu đường lại khát nước?
Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không thể sử dụng đường từ thực phẩm một cách hiệu quả. Điều này khiến đường tích tụ trong máu của bạn. Lượng đường trong máu cao buộc thận phải hoạt động quá mức để loại bỏ lượng đường dư thừa.
Thận cần tạo ra nhiều nước tiểu hơn để giúp thải thêm đường ra khỏi cơ thể. Bạn có thể sẽ phải đi tiểu nhiều hơn và lượng nước tiểu nhiều hơn. Nước thậm chí còn được rút ra khỏi mô của bạn để giúp loại bỏ lượng đường dư thừa. Vì mất nhiều nước nên bạn có thể cảm thấy rất khát.
Như đã đề cập, do thận phải làm việc nhiều để loại bỏ đường ra khỏi máu nên lúc này bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn. Những người bị tiểu đường đi tiểu thường xuyên hơn vào buổi sáng và ban đêm.
Tuy nhiên, đi tiểu thường xuyên cũng có thể do một số bệnh lý tiềm ẩn khác như thai kỳ, bàng quang hoạt động quá mức, sự lo lắng, nhiễm trùng đường tiết niệu. Do vậy, để đánh giá đi tiểu thường xuyên có phải do bệnh tiểu đường không, chúng ta cần xem xét thêm các triệu chứng khác.
Bệnh tiểu đường và mệt mỏi có mối quan hệ hai chiều. Có nhiều lý do cho việc bệnh tiểu đường dẫn đến mệt mỏi. Nguyên nhân hàng đầu là sự dao động lượng đường trong máu.
Khi lượng đường trong máu quá cao, cơ thể không xử lý được glucose thành năng lượng; do đó, tình trạng mệt mỏi hoặc kiệt sức có thể xảy ra.
Hơn nữa, những người bị tiểu đường cũng thường đi tiểu nhiều trong đêm. Điều này khiến cơ thể mất nước và gián đoạn giấc ngủ. Những yếu tố này đều khiến cơ thể mệt mỏi và mất năng lượng.
Đau đầu vào buổi sáng có thể cảnh báo bệnh tiểu đường. Điều này xảy ra có thể do mất cân bằng nội tiết tố, lượng đường trong máu và phản ứng của cơ thể với insulin.
Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị đau đầu do:
- Tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao)
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Tăng huyết áp (huyết áp cao)
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA)
Khô miệng vào buổi sáng là tình trạng thiếu nước bọt trong miệng. Đây có thể là triệu chứng dễ nhìn thấy của bệnh tiểu đường.
Người bị tiểu đường thường bị khô miệng là do lượng đường trong máu cao cũng như tình trạng mất nước do thường xuyên đi tiểu.
Cảm giác đói tăng lên là phản ứng bình thường của cơ thể đối với các tình huống như nhịn ăn hoặc tập thể dục với cường độ cao. Nhưng cơn đói dữ dội, vô độ như chứng ăn nhiều thường là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe cần được điều trị y tế, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
Cơn đói gia tăng này, được gọi là chứng ăn nhiều, xảy ra do các tế bào của cơ thể không nhận đủ glucose do kháng insulin hoặc thiếu insulin. Do đó, não báo hiệu cơ thể ăn nhiều hơn để cố gắng cung cấp năng lượng cần thiết.
Cảm giác ngứa ran hoặc tê ở tay hoặc chân vào buổi sáng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thần kinh tiểu đường, một tình trạng do lượng đường trong máu cao kéo dài làm tổn thương dây thần kinh. Triệu chứng này có thể dễ nhận thấy hơn khi thức dậy do áp lực kéo dài lên một số dây thần kinh trong khi ngủ.
Các triệu chứng cảnh báo có thể bạn đang mắc bệnh tiểu đường, nhưng để chẩn đoán chính xác bệnh, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm:
- Kiểm tra A1C: mức A1C từ 6,5% trở lên trong hai lần xét nghiệm riêng biệt có nghĩa là bạn mắc bệnh tiểu đường. Chỉ số A1C từ 5,7% đến 6,4% có nghĩa là bạn bị tiền tiểu đường. Dưới 5,7% được coi là bình thường.
- Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: một mẫu máu sẽ được lấy vào một thời điểm ngẫu nhiên. Nếu mức đường trong máu ở mức 200 miligam mỗi deciliter (mg/dL) - 11,1 milimol mỗi lít (mmol/L) - hoặc cao hơn đều gợi ý bệnh tiểu đường.
- Xét nghiệm đường huyết lúc đói: mẫu máu sẽ được lấy sau khi bạn chưa ăn gì vào đêm hôm trước. Mức đường huyết lúc đói dưới 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường. Mức đường huyết lúc đói từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được coi là tiền tiểu đường. Nếu kết quả là 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn trong hai lần xét nghiệm riêng biệt thì bạn bị tiểu đường.
- Xét nghiệm dung nạp glucose: đối với bài kiểm tra này, bạn nhịn ăn qua đêm. Sau đó, lượng đường trong máu lúc đói được đo. Sau đó, bạn uống một chất lỏng có đường và lượng đường trong máu sẽ được kiểm tra thường xuyên trong hai giờ tiếp theo.
Lượng đường trong máu dưới 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường. Kết quả trên 200 mg/dL (11,1 mmol/L) sau hai giờ có nghĩa là bạn bị tiểu đường. Chỉ số từ 140 đến 199 mg/dL (7,8 mmol/L và 11,0 mmol/L) có nghĩa là bạn bị tiền tiểu đường.
Khi thấy các triệu chứng trên bạn nên có cách quản lý tốt để kiểm soát bệnh tiểu đường. Một vài gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu và cải thiện các triệu chứng:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: bạn nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng bao gồm thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh. Tránh các thực phẩm và đồ uống có đường có thể làm tăng lượng đường trong máu.
- Uống đủ nước: bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể trong suốt cả ngày.
- Tập thể dục: tham gia hoạt động thể chất thường xuyên để giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và cải thiện sức khỏe tổng thể. Người bị tiểu đường nên tham gia các bài tập như đạp xe, bơi lội, đi bộ - tránh hoạt động cường độ cao và nâng vật nặng.
- Ngủ đủ giấc: đảm bảo bạn ngủ đủ giấc và duy trì lịch trình ngủ đều đặn. Giấc ngủ kém có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và sức khỏe tổng thể.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn