Vương quốc Anh là một trong những quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng nhất toàn cầu, đặc biệt là về ngôn ngữ, văn hóa. Nếu có dịp đến đất nước này hoặc gặp người Anh, hãy lưu ý những điều dưới đây để tránh gặp phải các tình huống khó xử nhé.
1. Gọi sai tên nước
Nhiều người trong chúng ta thường có sự nhầm lẫn rằng Vương quốc Anh và nước Anh là một, nhưng thực ra chúng không hoàn toàn giống nhau.
Vương quốc Anh có tên gọi chính thức và đầy đủ là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Quốc gia này bao gồm 4 phần lãnh thổ riêng biệt là nước Anh (thủ đô London), Scotland (thủ đô Edinburgh), xứ Wales (thủ đô Cardiff) và Bắc Ireland (thủ đô Belfast).
Đặc biệt, người dân xứ Wales và người dân Scotland đều có bản sắc văn hoá rất độc đáo của riêng mình, thậm chí người xứ Wales còn có ngôn ngữ riêng là Welsh. Chính vì thế mà họ rất ghét việc bị gọi là người Anh (Englishman). Thậm chí, họ còn có các đội bóng riêng cơ mà.
Trong tiếng Anh, Liên hiệp Anh được gọi là United Kingdom (UK) hoặc Britain. Trong khi đó nước Anh nằm trong liên hiệp được gọi là England.
Hãy nhớ kỹ điều này nếu bạn không muốn trở thành một người bị "đánh giá" khi ghé thăm quốc gia này.
Theo Lonely Planet, London - thủ đô của nước Anh là một trong những thành phố được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất trên Trái đất. Nơi đây là tâm điểm xuất hiện trong rất nhiều bộ phim bom tấn, chẳng hạn như James Bond hay Harry Potter. Vậy nên nếu hỏi mọi người rằng họ muốn đi nơi nào đầu tiên khi đến thăm Vương quốc Anh, chắc chắn London sẽ là đáp án chiếm phần lớn.
Tuy nhiên, đừng bao giờ bộc lộ suy nghĩ này của bạn tại các khu vực khác ngoài London, vì rất nhiều người ở các khu vực khác tại Liên hiệp Anh không khoái thành phố này. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi YouGov vào năm 2018 cho thấy hơn 2/3 người Vương quốc Anh cho rằng thành công của London không giúp được gì cho khu vực của họ, thậm chí ở Scotland, số người đồng tình còn đạt đến 80%.
Nhiều văn hóa phẩm khắc họa xứ sở sương mù với những con đường đầy sương mù, những cánh đồng hoang đầy mưa bụi, hay những ngày thời tiết u ám, đó là lý do khiến thời tiết nước Anh đã trở thành một trò đùa huyền thoại trong văn hóa của họ. Nơi đây vốn từ lâu đã nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt, thậm chí là trời có thể mưa như trút nước vào giữa mùa hè.
Nhưng thời tiết còn tréo ngoe ở chỗ sẽ chẳng có làm lạ khi chỉ vừa nửa tiếng trước trời còn đang mưa thì nửa tiếng sau trời đã nắng chói chang như ở sa mạc vậy.
Vậy nên nếu đến thăm quốc gia này, hãy chuẩn bị đầy đủ từ mũ che nắng cho đến áo mưa nhé, vì bạn sẽ không biết được thời tiết thích thay đổi như thế nào đâu.
Cách nhanh nhất để khiến một nhóm người ở Vương quốc Anh ngượng ngùng đó là nói về tôn giáo. Người dân ở đây thường không theo một tôn giáo nào, và sự ảnh hưởng của những người thuộc chủ nghĩa vô thần cũng khiến cho việc nói về tôn giáo ở nơi công cộng trở nên kỳ lạ tại đây. Thậm chí ngay cả những người bản địa cũng rất ngại nói về đức tin của họ trước đám đông.
Ở Vương quốc Anh, dù không được quy định rõ thành luật nhưng việc đứng xếp hàng gần như trở thành một nét văn hoá, một khuôn mẫu chung trong lối sống, và bất kỳ ai vi phạm điều này chắc chắn sẽ phải nhận về kết cục không mấy hay ho, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng hơn thì sẽ bị la ó.
Trong một cuốn sách của mình, nhà xã hội học Kate Fox cho rằng người dân nước này vẫn sẽ xếp hàng cho dù chỉ có… một người, bằng cách giả định như mình là người đứng đầu của một hàng nào đó. Và việc cắt ngang hàng sẽ là một "tội lỗi chết người".
Trả tiền đồ uống cho cả một nhóm người không phải là chuyện quá xa lạ, đó là điều mà chúng ta thường làm lúc cảm thấy vui vẻ, hoặc muốn ăn mừng một sự kiện gì đó có ý nghĩa với bản thân. Nhưng đối với người ở Vương quốc Anh, đó gần như là một điều bắt buộc, bất kể là bạn đã gặp người đó trước hay chưa. Việc uống rượu chung với một nhóm người mà chỉ trả tiền cho chính mình sẽ biến bạn trở thành một người "hà tiện" nhất trong mắt người khác.
Rõ ràng đây là một quy tắc kỳ lạ, và thật khó chịu khi chúng ta phải mời cả những người mà mình thậm chí còn không quen biết. Nhưng chúng ta sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc chấp nhận nó, vì quốc gia nào cũng sẽ có những quy tắc bất thành văn cho riêng mình mà.
Có một số nền văn hóa thích hành động tiếp xúc cơ thể trong khi nói chuyện như một cách thể hiện sự thân thiện (đơn cử như Pháp - người hàng xóm của Anh), nhưng có một số quốc gia lại thực sự ghét điều đó. Vương quốc Anh chính là một trong những đất nước như vậy, thậm chí ngay cả việc bạn nói chuyện nhiều với người lạ cũng không được chào đón tại đây.
Điều đó không có nghĩa là người dân bản địa không thân thiện, mà là họ có phần dè dặt hơn so với nước khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn