Sự thay đổi áp suất không khí, nhiệt độ có thể ảnh hưởng tới chu kỳ ngủ thức của cơ thể và một trong những ảnh hưởng đó là giảm chất lượng giấc ngủ. Uống trà gì dễ ngủ hay uống trà gì để ngủ ngon là thắc mắc của nhiều người.
Cơ thể cần ngủ để quản lý các chức năng trao đổi chất, bao gồm các hệ thống phức tạp điều chỉnh sức khỏe tim mạch, khả năng miễn dịch, cân bằng nội tiết tố và chức năng não. Những người thường xuyên bị thiếu ngủ dễ bị mất cân bằng đường huyết và cholesterol, tăng cân, chấn thương và rối loạn tâm trạng. Uống trà trước khi đi ngủ có thể giúp làm dịu tâm trí để có thể ngủ ngon hơn.
Theo Healthline, thực sự có một số loại trà có thể hữu ích khi bạn đang tìm kiếm uống trà gì dễ ngủ hơn, chẳng hạn:
Trà hoa cúc chứa các hợp chất như apigenin, chamazulene, bisabolol và farnesene, có thể thúc đẩy sự bình tĩnh và cải thiện giấc ngủ. Trong đó, apigenin là một chất chống oxy hóa có liên kết với thụ thể axit gamma-aminobutyric (GABA - một axit amin tự nhiên làm giảm hoạt động trong hệ thống thần kinh trung ương) trong não có tác dụng thúc đẩy cơn buồn ngủ cũng như giảm chức mất ngủ (nhưng không ngăn ngừa chứng mất ngủ) và tình trạng mất ngủ mãn tính.
Theo Health, một nghiên cứu năm 2024 với 128 người tham gia đã thử nghiệm tác dụng của tinh dầu hoa cúc đối với căng thẳng, lo âu và chất lượng giấc ngủ. Kết quả cho thấy sự giảm đáng kể về lo âu và căng thẳng. Ngoài ra, người tham gia cũng có mức độ cortisol giảm nhẹ. Cortisol là hormon góp phần gây mất ngủ, kéo dài căng thẳng và có thể dẫn tới mất ngủ mãn tính.
Theo Medical News Today, một đánh giá năm 2019 trên người mắc chứng rối loạn lo âu cho thấy, sau 2 - 4 tuần điều trị bằng hoa cúc, nhóm người này đã cải thiện triệu chứng và chất lượng giấc ngủ.
Nếu muốn uống trà hoa cúc để ngủ ngon hơn, bạn có thể uống trà hoa cúc trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng và không nên uống quá nhiều. Trà hoa cúc có thể kết hợp với các thảo mộc khác để tăng cường hiệu quả thư giãn như dầu chanh, hoa oải hương, rễ cây nữ lang, hoa lạc tiên...
Bạn cũng có thể thử uống trà rễ cây nữ lang để trị mất ngủ và an thần. Trà cây nữ lang được làm bằng cách ngâm rễ cây nữ lang khô vào nước nóng để giải phóng các hợp chất hoạt tính trong rễ cây. Ở Việt Nam cây mọc hoang dại ở các tỉnh phía Bắc, khu vực Trung Trung Bộ, được người dân bản địa sử dụng như một vị thuốc nam rất phổ biến trong các bài thuốc an thần hay điều trị mất ngủ tương đương với nụ hoa tam thất.
Trà rễ cây nữ lang là một trong những loại trà có liên quan tới việc tăng cường giải phóng serotonin có tác dụng an thần và làm dịu tâm trí. Cây nữ lang cũng có thể góp phần giảm lo âu bằng cách kích hoạt adenosine - một chất hóa học có vai trò điều chỉnh tâm trạng và căng thẳng.
Điều này được giải thích là nhờ thành phần axir valerenic và các dẫn xuất valepotriates có trong cây nữ lang, sẽ gắn kết vào thụ thể GABA, giúp ngăn chặn đường truyền căng thẳng và bất an đến vùng thần kinh trung ương, hỗ trợ phục hồi quá trình ức chế não bộ, giúp giảm kích thích, tạo cảm giác dễ ngủ hơn.
Ngoài sử dụng rễ cây nữ lang thì bạn có thể kết hợp cùng với rễ cây trinh nữ hoặc lạc tiên và lá vông để sắc uống theo liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ để an thần và trị mất ngủ. Không kết hợp rễ cây nữ lang với cây Ban Âu, rễ hồ tiêu hay thực phẩm bổ sung melatonin có đặc tính an thần.
Các thành phần chính của hoa oải hương tạo nên hương thơm ngọt ngào của nó là linalool và linalyl acetate. Hai thành phần này giúp trà hoa oải hương trở thành lựa chọn nếu bạn không biết uống trà gì giúp dễ ngủ. Trà hoa oải hương giúp thư giãn bằng cách ngăn chặn các thụ thể não cụ thể thúc đẩy sự kích thích (lo lắng) và tăng diện tích trong hệ thần kinh.
Theo Health, một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI thì người tham gia được cho uống 2 gam trà hoa oải hương mỗi buổi sáng và buổi tối trong hai tuần. Kết quả cho thấy nhóm uống trà hoa oải hương đã có dấu hiệu giảm lo âu và trầm cảm đáng kể.
Một nghiên cứu khác thực hiện trên 79 sinh viên gặp các vấn đề về giấc ngủ sử dụng tinh dầu hoa oải hương kết hợp với thói quen đi ngủ lành mạnh, sau nghiên cứu, các sinh viên đều báo cáo rằng chất lượng giấc ngủ tổng thể đã được cải thiện.
Dựa trên các kết quả này, có thể thấy việc thưởng thức một tách trà hoa oải hương để thư giãn trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu dành thời gian để cảm nhận và hít thở mùi thơm từ tách trà.
Trà hoa lạc tiên cũng là một gợi ý nếu đang không biết uống trà gì dễ ngủ. Hoa lạc tiên chứa một loại flavonoid được gọi là chrysin có tác dụng giúp giảm lo âu và căng thẳng cũng như giúp xoa dịu thần kinh và cải thiện tâm trạng khi sử dụng.
Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho rằng, lạc tiên làm tăng GABA trong não. Điều này giúp thư giãn, cải thiện tâm trạng, ngủ ngon hơn và giảm đau.
Theo một đánh giá năm 2020 trên Tạp chí Nutrientions, khi dùng ở dạng cô đặc (45 giọt chiết xuất hoặc viên nén 500 mg), tác dụng giảm lo âu của hoa lạc tiên có thể tương đương với thuốc an thần như Serax (oxazepam).
Một cách để ngủ ngon khác là uống trà bạch quả. Cây bạch quả có tên khoa học là Ginkgobiloba. Cây bạch quả ở Việt Nam được nhiều người biết đến với cái tên rẻ quạt hoặc cây ngân hạnh.
Trong bạch quả có chứa các hợp chất chống viêm và chống oxy hóa cao, có tác dụng tăng cường sức khỏe như flavonoid và terpenoid. Một số bằng chứng cho thấy bạch quả có thể làm dịu tâm trí thông qua tác động của nó lên GABA, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Được coi là an toàn nhưng bạch quả không được khuyến nghị cho người bị rối loạn đông máu hoặc người đang sử dụng thuốc chống đông máu; nếu đang dùng thuốc chống viêm NSAID thì cũng cần thận trọng khi uống trà bạch quả.
Nhân sâm chứa adaptogen, hợp chất được biết đến có tác dụng giúp bình tĩnh và tập trung. Ginsenosides (hợp chất chính trong nhân sâm) có thể điều chỉnh căng thẳng tốt hơn các adaptogen đã biết khác. Tác dụng của nhân sâm trong việc điều chỉnh căng thẳng đã được chứng minh trong nhiều thử nghiệm trên người.
Uống nhân sâm có mất ngủ không? Câu trả lời là không nếu uống đúng liều lượng và đúng cách do nhân sâm có thể thúc đẩy sự tỉnh táo của não bộ. Để tránh mất ngủ vào ban đêm, bạn tuyệt đối không nên dùng sâm vào buổi tối. Liều dùng sâm thông thường theo khuyến cáo là từ 1 đến 2 gam một ngày, nên bắt đầu với một lượng nhỏ hơn nếu mới uống. Lưu ý, không nên uống sâm nếu đang dùng thuốc chống đông máu.
Khi pha trà nhân sâm, bạn nên chế thêm nước vào trà tới khi uống không còn vị sâm, bã sâm có thể nhai kỹ rồi nuốt.
Trong cây mộc lan có chứa chất Honokiol và magnolol, là hai hợp chất có tác dụng an thần. Và mặc dù vẫn còn thiếu sót nghiên cứu lớn trên người nhưng một vài nghiên cứu cũ phát hiện ra rằng, cả hai hợp chất này trong cây mộc lan đều có thể gây buồn ngủ và giảm chứng mất ngủ.
Theo Healthline, một nghiên cứu trên phụ nữ mới sinh con cho thấy, uống trà mộc lan trong 3 tuần giúp cải thiện đáng kể tình trạng trầm cảm, lo âu và cải thiện chất lượng giấc ngủ so với nhóm không uống trà.
Ngoài 7 loại trà kể trên, để cải thiện chất lượng giấc ngủ bạn cũng cần chú ý tới vệ sinh giấc ngủ tốt, chẳng hạn như: Môi trường ngủ đủ mát và đủ tối, không sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 1 tiếng trước khi đi ngủ, thực hiện một số liệu pháp thư giãn tâm trí như nghe nhạc, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày,...
Khi uống trà để dễ ngủ buổi tối, cần chú ý chọn các loại trà không chứa caffeine và không uống ngay sát giờ đi ngủ đồng thời cũng không nên uống quá nhiều nếu không muốn thức dậy nhiều lần để đi tiểu tiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn