7 lời khuyên ứng xử khi cha mẹ đi bước nữa

12:03 | 30/10/2017;
Dù có là người trưởng thành, khi chứng kiến cảnh cha/mẹ mình “đi bước nữa” đều khó tránh khỏi bối rối, lo lắng.

Hôn nhân và đám cưới luôn là một dịp vui của bạn bè và gia đình. Tái hôn không có gì là sai trái, đó là cơ hội thứ hai của cuộc đời mà cha/mẹ bạn có quyền lựa chọn cho bản thân. Tuy nhiên đối với những đứa con, dù đã trưởng thành hay chưa, chứng kiến bố mẹ mình cưới một người khác không phải lúc nào cũng dễ chịu.

(Ảnh: Nguồn dianegottsman)

Dưới đây là 7 lời khuyên ứng xử để bạn luôn giữ được cảm xúc tích cực và ủng hộ cha mẹ mình trong cuộc hành trình mới của cuộc đời.

1. Chuẩn bị tinh thần

Chứng kiến cha/mẹ làm đám cưới với một người lạ mà không phải cha/mẹ ruột của mình có thể khiến bạn cảm thấy bị phản bội. Chính vì thế, tâm sự và chia sẻ cảm xúc của bản thân với một người mà bạn tin tưởng là rất quan trọng. Đó có thể là một tư vấn viên chuyên nghiệp, người thầy, người cố vấn, hoặc người bạn thân của bạn. Những người đứng ngoài câu chuyện sẽ không thiên vị, từ đó cho bạn lời khuyên tốt nhất.

Có thể bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận điều này, những hãy cố gắng tôn trọng quyết định của cha/mẹ. Cha mẹ bạn xứng đáng được hạnh phúc, được gắn bó với một người yêu họ trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời.

2. Thể hiện sự hỗ trợ

Trong đám cưới truyền thống từ trước tới nay, ai cũng rõ về vị trí của bố mẹ cô dâu chú rể, nhà trai nhà gái. Nhưng còn những đứa con riêng của bố/mẹ chúng trong lễ cưới thì sao?

Để tránh sự gượng gạo và thể hiện bạn mong muốn hỗ trợ, hãy chủ động hỏi về điều đó. Ví dụ như hỏi bố có muốn bạn làm phù rể trong đám cưới không? Hoặc một số gia đình muốn người con đã trưởng thành của họ là người đưa nhẫn cưới cho cha/mẹ trong buổi lễ. Hoặc cũng có thể bố/mẹ bạn đơn giản chỉ muốn bạn đến dự đám cưới, chân thành nâng ly chúc mừng cho họ. Hãy tôn trọng và chân thành chấp nhận những mong muốn của chính cha/mẹ bạn.

3. Món quà tinh tế

Đôi khi không cần quà cáp vật chất, một lời nhắn nhủ hoặc một vài dòng viết tay trên tấm thiệp rồi gửi tới cha/mẹ cũng truyền tải được đầy đủ thông điệp về tình thương và sự ủng hộ của bạn đến họ. Một câu “Con rất mừng cho cha/mẹ” cũng đủ để họ hiểu thiện chí và tấm lòng của bạn.

4. Cùng ăn mừng

Đám cưới là một dịp vui bởi tại đây, bạn có thể gặp lại những người thân và bạn bè đã lâu không thấy. Cùng ăn mừng với những người họ mới chính là ý nghĩa của ngày đặc biệt này. Nhưng dù lúc ấy bạn có vui vì đám cưới hay khó tránh khỏi cảm giác buồn rầu, hãy chú ý và kiểm soát lượng rượu mà bạn uống, cố hết sức để giữ cảm xúc của bản thân trong tầm kiểm soát. Đừng nói xấu hay phán xét tiêu cực về bữa tiệc hay thậm chí là so sánh bố/mẹ ruột của bạn với bố/mẹ “mới”.

Điều này không chỉ tốt cho mối quan hệ lâu dài giữa bạn và thành viên mới của gia đình, mà còn giữ vững quan hệ tốt đẹp giữa hai gia đình nhà trai – nhà gái.

5. Lựa chọn từ ngữ khôn ngoan

Dành những lời khen cho cặp đôi mới cưới là xứng đáng, nhưng cũng đừng quên phải tôn trọng những mối quan hệ trong quá khứ. Đặc biệt là trong trường hợp cuộc hôn nhân cũ có nhiều mâu thuẫn hoặc tranh cãi. Ví dụ, đừng bao giờ nhận xét những câu như: “Jack là một người đàn ông quá tốt, Sarah thật may mắn vì cuối cùng cũng thoát khỏi John”. Hãy chỉ bình luận tích cực và tập trung vào tương lai tươi sáng của cặp vợ chồng mới cưới.

6. Đừng chỉ nghĩ về cảm xúc của bản thân

Cha/mẹ của bạn đang bắt đầu cho một cuộc sống mới với người mà họ yêu. Vì thế hãy cẩn thận tránh làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ bởi những cảm xúc mâu thuẫn của bạn. Hãy đối xử với họ như cách bạn muốn họ đối xử với bạn khi bạn bắt đầu một cuộc hôn nhân mới: sự ủng hộ, tình yêu, sự tôn trọng và nhiệt tình một cách hợp lý.

7. Làm quen với thành viên mới của gia đình

Dù thích hay không, thực tế là bạn sẽ phải đón nhận một thành viên mới trong gia đình. Hãy thể hiện sự quan tâm tới người bạn đời mới của cha/mẹ. Đặc biệt là việc cố gắng để mối quan hệ bớt lúng túng, vì bạn sẽ còn phải gắn bó với họ lâu dài.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn