Ngày nay, trẻ được sử dụng internet từ rất sớm, với nhiều mục đích, như chơi điện tử, xem các chương trình giải trí yêu thích, tương tác với bạn bè qua nhiều kênh, mạng xã hội hoặc phục vụ mục đích học tập… Thế nhưng, ở môi trường ảo trên mạng luôn có các mối nguy hiểm tiềm tàng với trẻ. Trẻ có thể bị dụ dỗ, lừa đảo, thậm chí có nguy cơ bị bắt cóc, xâm hại… do thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy hại đó. Dưới đây là những mẹo cần thiết phụ huynh có thể tham khảo, để trang bị cho con, giúp con an toàn hơn khi sử dụng internet:
Đặt ra khung thời gian và lượng thời gian cụ thể việc sử dụng internet của trẻ. Cho dù đó là vì mục đích giải trí hay học tập của trẻ, cha mẹ vẫn cần có quy định rõ ràng mỗi ngày.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cài đặt mật khẩu cho các thiết bị điện tử hoặc mạng wifi tại nhà để tránh việc trẻ một mình "lang thang" trong thế giới ảo khi không được cho phép.
Với những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, tên trường, lớp học và thông tin chi tiết về người thân…, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tuyệt đối không được chia sẻ công khai, không cung cấp cho người quen qua mạng, không tùy tiện sử dụng để truy cập vào các trang mạng khi chưa hỏi ý kiến người lớn.
Trẻ cần được dạy tuyệt đối không đồng ý hẹn gặp bất kỳ người nào quen qua mạng khi chưa có sự cho phép của cha mẹ. Bởi đó có thể là "cái bẫy" của những kẻ xấu để lừa đảo trẻ.
Với những thông tin hiển thị ngẫu nhiên hoặc quảng cáo hiện lên trên thiết bị trẻ đang sử dụng, cha mẹ cần lưu ý trẻ không tùy tiện nhấp chuột vào xem. Bởi những cửa sổ này có thể dẫn tới những trang mạng chứa phần mềm độc hại, chứa nội dung xấu. Đó cũng có thể là một trò lừa đảo của kẻ xấu để thu thập thông tin cá nhân của người dùng.
Trẻ cần được hướng dẫn không tự ý mua sắm trực tuyến nếu không có sự giám sát của cha mẹ. Bởi những thông tin chi tiết, quan trọng trên thẻ khi sử dụng mua sắm ở những trang mạng không uy tín, dễ rơi vào tay kẻ xấu, gây hại về tài chính.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ không đăng tải hay chia sẻ những hình ảnh riêng tư, nhạy cảm lên mạng, nhất là liên quan tới nơi ở. Cha mẹ nên trò chuyện, giải thích cho con hiểu lý do để tránh những bất đồng và đảm bảo con hợp tác, làm theo.
Ngoài ra, không nên trả lời tin nhắn của người lạ, đặc biệt với những nội dung kém lành mạnh. Ngay cả với những bình luận tiêu cực, kích động trên mạng, lưu ý trẻ không tham gia. Với các tin nhắn có tính chất đe dọa, quấy rối, trẻ cần nói ngay với cha mẹ để nhận sự hỗ trợ.
Việc dùng các phần mềm bảo vệ máy tính, các ứng dụng tin cậy trên điện thoại cũng là một gợi ý để giúp trẻ an toàn hơn khi truy cập internet. Cha mẹ có thể kiểm soát trẻ không truy cập vào nội dung độc hại.
Cha mẹ cũng nên sử dụng những phần mềm giám sát để theo dõi việc dùng, các hoạt động của trẻ khi sử dụng internet một cách hiệu quả. Từ đó, cha mẹ có thể đảm bảo trẻ có thể giải trí, học tập trong môi trường lành mạnh, an toàn hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn