Quá trình nuôi dạy con không hề dễ dàng, vì thế việc áp dụng các mẹo vặt, kinh nghiệm của người đi trước sẽ phần nào giúp người mẹ bớt vất vả và có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Dưới đây là 1 số mẹo nuôi dạy con cái, bạn có thể tham khảo.
Đừng nói với con bạn những gì bạn muốn chúng làm, cách tốt nhất là để chúng bắt chước theo hành động của cha mẹ. Thay vì lúc nào cũng khuyên con cái đọc sách rất tốt cho trí não, bạn hãy hình thành cho mình thói quen đọc sách và thường xuyên đọc cho trẻ nghe.
Mặc dù yêu thương con cái nhưng bạn không thể chiều chuộng con quá mức. Sự đáp ứng vật chất, bảo vệ nghiêm ngặt, quá bao dung… được nhân danh tình yêu nhưng lại khiến trẻ dần trở nên hư hỏng.
Sự yêu thương của cha mẹ có thể đơn giản như dành cho con những cái ôm, thường xuyên ăn cơm, nói chuyện cùng nhau, lắng nghe các vấn đề của con một cách nghiêm túc.
Thể hiện những hành động yêu thương này có thể kích hoạt việc giải phóng các hormone tạo cảm giác dễ chịu, mang lại cho trẻ sự bình tĩnh, ấm áp, mãn nguyện, tình cảm giữa cha mẹ và con cái ngày càng khắng khít hơn.
Trong những năm đầu đời, nếu trẻ được sống trong một môi trường tích cực, ấm áp, chúng sẽ thích thú với việc khám phá thế giới bên ngoài và yêu thích sự trải nghiệm hơn.
Những trải nghiệm tích cực này không chỉ tạo ra các kết nối thần kinh trong não bộ của trẻ mà còn hình thành những ký ức về cha mẹ khiến trẻ không thể nào quên.
Khi trẻ hư, cha mẹ có thể sử dụng cách kỷ luật tích cực thay vì hà khắc như đánh đòn. Việc đặt ra các giới hạn, nhất quán các nguyên tắc sẽ tốt cho việc rèn tính kỷ luật ở con cái.
Cha mẹ hãy cho con mình biết rằng, dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, gia đình vẫn luôn là nơi an toàn và ấm áp nhất để con quay trở về. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ giàu tình thương sẽ có EQ cao, kỹ năng xã hội tốt và tinh thần luôn lạc quan.
Giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Khi nói chuyện với con cái, cha mẹ cũng cần lắng nghe một cách cẩn thận. Bằng cách giữ mối quan hệ tốt này, khi xảy ra vấn đề nào đó trẻ sẽ tìm tới cha mẹ trước tiên.
Việc nói chuyện này còn hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ. Trẻ sẽ bớt giận dữ vô cớ, có nhiều hành vi tốt, biết đồng cảm và quan tâm tới người khác hơn.
Thông thường, khi một đứa trẻ chào đời, nó sẽ ít nhiều gây ra xáo trộn trong gia đình. Nhu cầu cá nhân của 2 vợ chồng bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu không chú ý tới điều này, nó sẽ trở thành vấn đề lớn khiến 2 vợ chồng cãi vã.
Việc một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ hay cãi vã sẽ khiến trẻ có nhiều vấn đề về tâm lý hơn. Cha mẹ cần chú ý điều này!
Đánh đòn là 1 trong những cách dạy dỗ phổ biến của nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, cách dạy dỗ này chỉ khiến trẻ sợ hãi nhất thời, không hoàn toàn nhận thức được lỗi sai của mình. Trên thực tế đây còn là cách để cha mẹ giải tỏa sự tức giận của mình.
Việc đánh đòn con cái chẳng khác nào cha mẹ đang nói với con mình rằng, các vấn đề sẽ được giải quyết bằng bạo lực. Nếu trẻ thường xuyên bị đánh đòn, chúng sẽ hay gây gổ với người khác, dễ trở thành kẻ bắt nạt ở trường, khi lớn lên có nhiều khả năng phạm pháp hơn.
Hơn nữa, nó còn khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tồi tệ hơn, trẻ xuất hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn