Thỉnh thoảng, mẹ tôi bảo: "Con cố gắng về cho có Tết nghe con!". Tôi "dạ" nhưng chỉ vậy mà thôi. Mỗi lần về là mẹ lại nhắc chuyện anh Thành giáo viên ở thị xã, có lần ngỏ ý cưới tôi, phải chi tôi và anh ấy nên duyên thì mẹ đâu có mong con về ngày Tết. Mẹ bảo: "Lấy chồng gần có bát canh cần nó cũng mang cho". Nhưng rồi mẹ cười: "Mẹ nói vội thôi, chuyện vợ chồng có số đó mà". Ừ thì duyên số, như tay của Phương lần đầu nắm trong tay tôi đêm xa vời nào đó giữa cơn mưa Sài Gòn, đã gắn cuộc đời hai đứa tôi bên nhau.
Thoáng đó đã 7 năm tôi rời nơi chốn mình ở, theo chồng ra tận Hà Nội lập nghiệp. Ngày rời khỏi cù lao, mẹ đứng tận bến nước dặn dò: "Nhớ về ăn Tết nghe con!". Tôi "dạ", mà chẳng năm nào về đúng Tết. Con đường về nhà xa dằng dặc, biết bao nhiêu lo liệu trong nổi khổ lấy chồng xa, lòng nhớ những cái Tết rất rộn ràng ở đó. Nhớ ngồi gói từng chiếc bánh tét, rồi chụm lửa nấu trong vườn, mùi khói bếp trộn cùng mùi cây cỏ và mùi bùn của con nước rút tạo ra một mùi hương rất lạ.
Bây giờ là 30 Tết. Tôi đoán mẹ đã bắt đầu đợi, mẹ sẽ ra cổng, mở rộng cửa đón con gái về, không cần cầm cái chuông để lắc lên báo hiệu. Tôi đoán mẹ cũng đã chuẩn bị mọi thứ, như thể mẹ sợ con của mẹ và cháu của mình thiếu ăn.
Trên cù lao ấy bốn mùa xanh trái, có một cảng nhỏ làm bằng xi măng để cho các con thuyền dễ cặp bến. Cả cù lao không có hàng rào, chỉ là cây cỏ lớn lên che chở. Nhưng ba mẹ vẫn làm một cái cổng bằng gỗ. Để chi? Để khi đóng lại, khách ghé qua biết nhà đang bận việc hay đi vắng, hoặc để có cái cớ mở cửa để vào ngôi nhà. Từ cổng vào tận nhà là con đường nhỏ lát đá, dọc theo con mương nhỏ quanh năm nước chảy rối rít, trong đó có cơ man nào loại cá chạy tung tăng. Đặc biệt, ba gắn ngay cánh cổng một cái chuông lắc bằng đồng giống như chuông của mấy người bán kem dạo, để khách tới giờ lắc cái chuông cho nó kêu "leng keng, leng keng" là ba mẹ biết là nhà có khách tới. Từ sáng kiến của ba, nhiều nhà ở trên các cù lao cũng lắp chuông như thế.
Cù lao không có tên, ba đặt là Cù lao ông Hạnh, vì ba tên Hạnh. Tới mua nước nổi, bông điên điển nở rực vàng. Gọi là cù lao, nhưng thực ra nơi này lại nối liền với các cù lao riêng lẻ khác bằng những chiếc cầu bằng xi măng hoặc cầu khỉ, mà mỗi nơi chốn là một gia đình. Khi Phương tới thăm nhà tôi, anh rất lạ. Lạ hơn vì anh tò mò bước chân lên cầu khỉ, bước vài bước đã rớt xuống con sông.
Ở Cù lao ông Hạnh, tôi đã ra đời, rồi theo con thuyền về Vĩnh Long, đi một mạch đến Sài Gòn học. Ở Sài Gòn đó, tôi gặp Phương, tình yêu của chúng tôi nhanh chóng diễn ra. Và khi đã yêu, tôi khá bất ngờ vì anh lại ở thật xa: Hà Nội. Lấy nhau, hai vợ chồng chọn công ty ở Hà Nội làm việc, vì nhà anh ở đó. Lại lựa mua trả góp một căn chung cư gần nhà ba mẹ anh để thỉnh thoảng ghé thăm ông bà.
Tình yêu của chúng tôi từ khi có thêm bé Minh, lại càng bận rộn hơn. Mẹ cũng đã từ Vĩnh Long ra tận Hà Nội chăm sóc cho tôi những ngày sinh em bé. Mẹ đi lên đi xuống thang máy, ngó qua ngó lại: "Mẹ thấy cái cù lao của mình nó rộng mà ở đây nhỏ quá". Rồi mẹ về, mẹ lại dặn: "Tết về mẹ làm mứt bưởi cho ăn, nhà mình bây giờ ngày Tết buồn lắm".
Phương là một người chồng tốt, anh bảo sau Tết anh sẽ về Vĩnh Long đón tôi và bé Minh về, vì anh không thể để ông bà nội lẻ loi trong ngày Tết. Anh đưa 2 mẹ con ra sân bay, chắc anh đợi luôn cả khi chiếc máy bay bay trên bầu trời, dẫu anh chẳng biết chiếc máy bay nào chở vợ con anh.
Bây giờ phố xá thay đổi quá, những ngày giáp Tết, con đường từ TP.Hồ Chí Minh về Vĩnh Long ken kín những chuyến xe sum họp. Chuyến bay của tôi từ Hà Nội đến thành phố cũng đã 4 giờ chiều. Hai mẹ con thuê hẳn một chiếc taxi để về với ông bà ngoại, về với Tết. Sợ đường sá đông đúc, tôi không dám nhắn tin, không thôi thì mẹ tôi nôn nóng, có khi ra tận bến cảng để đón con gái và cháu ngoại về ăn Tết. Bé Minh thì ngơ ngác nhìn bên ngoài, hỏi: "Sắp tới nhà ngoại chưa mẹ?". Tôi ôm con vào lòng, tôi cũng nôn nao trong chuyến về chẳng khác gì con.
Tôi kêu con tàu đang neo bến chở tôi đến Cù lao ông Hạnh. Sông Cổ Chiên đang chòng chành con nước, mặt trời như chưa vội tắt nắng để đứa con gái lấy chồng xa về quê ăn Tết. Người lái thuyền nhận ra tôi: "Có phải Ngọc con ông Hai Hạnh không? Trời ơi, bả bảo tôi đợi ở đây từ sáng đến giờ để đón mẹ con cô về ăn Tết. Cô đi lâu quá chắc không nhớ tôi đâu, dạo này tôi hay chở khách du lịch đến thăm vườn ba cô, ổng bả làm du lịch miệt vườn cho có người ra vô". Tôi "dạ" và bâng quơ nhìn buổi chiều đang tới ở dòng sông đầy kỷ niệm thơ bé của mình.
Cánh cửa nhà chiều 30 Tết đã mở. Người đàn bà tóc bạc trắng, là mẹ tôi đó đứng đợi đã lâu. Dễ chừng cả ngày nay bà mặc cho con nước ròng thủy triều lên xuống, mặc cho những giề lục bình mang trên mình những bông hoa tím cứ trôi dạt giữa mênh mông. Bà đợi con gái của bà cùng cháu ngoại về ăn Tết.
Đợi con và cháu lên trên bờ, mẹ lấy cái chuông lắc. Tiếng chuông vang những âm thanh leng keng, leng keng ấy như mẹ báo cho ba đang đợi trong nhà nghe. Tiếng leng keng ấy như báo hiệu cho cả dòng sông Cổ Chiên đang mải mê đưa nước về biển nghe rằng tết năm nay mẹ rất vui.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn