Khi trẻ hư, không vâng lời cha mẹ, việc giáo dục chúng là điều nên làm. Tuy nhiên không ít phụ huynh trong lúc nóng giận đã lôi con ra đánh 1 trận để xả bực và để cho con ghi nhớ sai lầm.
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, việc dạy con bằng đòn roi là không đúng. Bởi những trận đánh đòn sẽ đem lại hậu quả nặng nề đến tâm lý của trẻ.
Hậu quả đầu tiên là khiến trẻ có xu hướng trở nên bạo lực. Một đứa trẻ bị cha mẹ đánh đòn thường dễ nổi nóng, kích động hơn với mọi người xung quanh. Một nghiên cứu của trường đại học Tulane cho thấy rằng, đứa trẻ thường xuyên bị đánh đòn từ lúc 3 tuổi sẽ có hành vi gây rối nhiều hơn so với những đứa trẻ không bị đánh. Sở dĩ xuất hiện sự hung hăng này đó chính là phản ứng với việc trải qua nỗi đau, ấm ức khi bị đánh đòn. Con sẽ bắt chước hành vi bạo lực và suy nghĩ bạo lực của cha mẹ.
Việc đánh con không chỉ khiến đứa trẻ bị tổn thương về thể xác mà còn cả về mặt tinh thần. Trẻ dễ mắc chứng rối loạn hành vi xã hội, rối loạn tinh thần, căng thẳng và bất ổn về mặt cảm xúc.
Cha mẹ thường nghĩ rằng, chỉ có người lớn mới cần thể diện, tự trọng. Tuy nhiên thực tế thì không phải vậy. Trẻ con cũng cần được giữ thể diện, hình ảnh trước mặt người khác, nhất là trước mặt người lạ. Việc đổ lỗi cho trẻ trước mặt người ngoài sẽ khiến trẻ không phục, còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hãy đợi khi cảm xúc lắng xuống và tìm chỗ riêng tư để chia sẻ cùng con.
Khen ngợi, khuyến khích con khi chúng vừa làm được điều tốt là việc mà cha mẹ nên làm. Nhưng nếu phụ huynh khen ngợi con bị "lố", quá đà thì là việc không nên. Bởi như thế trẻ dễ phát triển theo xu hướng "yêu bản thân thái quá", và luôn cho mình là giỏi giang nhất, không có ý thức cầu thị, khiêm nhường học hỏi.
Phụ huynh chỉ nên khen ngợi những nỗ lực của con, thay vì khen tài năng, đặc biệt là ngoại hình của trẻ.
Hầu như phụ huynh nào cũng mắc phải sai lầm này. Cha mẹ thường lấy hình ảnh "con nhà người ta" ra để làm gương và bắt con cái mình nghe theo. Việc so sánh như vậy là không công bằng với trẻ. Bởi môi trường giáo dục của chúng khác nhau.
Thậm chí nhiều cha mẹ thường so sánh các con mình với nhau. Ví dụ như "Sao con không ngoan như em con nhỉ", "Tại sao con không xuất sắc được như chị mình?"... Sự so sánh như thế chỉ khiến ngọn lửa ghen tỵ bùng cháy, chúng thậm chí sẽ ghen ghét người anh, người chị hoặc người em của mình. Mối quan hệ của anh chị em trong nhà vì vậy trở nên căng thẳng hơn.
Nhiều phụ huynh ngày xưa không có điều kiện học hành, không có điều kiện để thực hiện mong muốn, hoài bão của bản thân nên giờ đây họ ép con mình phải sống cuộc đời của cha mẹ. Chẳng hạn như mẹ thích học đàn nên cho con đi học đàn, bố làm kinh doanh con buộc phải theo nghiệp cha...
Sẽ thật tốt nếu con có chung ước mơ với cha mẹ. Nhưng nếu không, đừng ép con theo đuổi đam mê của bạn bởi mỗi đứa trẻ sẽ cuộc đời riêng của chúng. Ngược lại, chúng ta nên dạy con sống với đam mê, có thể phát triển và kiếm tiền chân chính từ đam mê của mình. Có như vậy con mới cảm thấy được trân trọng, được tự do và không bị gò bó vào suy nghĩ mong mỏi của cha mẹ.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái mình vâng lời, ngoan ngoãn. Nhưng đừng biến chúng thành đứa trẻ chỉ biết làm hài lòng người khác mà không nghĩ đến bản thân chúng. Con có quyền nói ra quan điểm, suy nghĩ của mình. Cha mẹ nên tôn trọng.
Những khoảnh khắc nhỏ giữa cha mẹ và con cái là cầu nối tình cảm trong gia đình. Nếu phụ huynh cứ mãi bận rộn, bỏ mặc con không quan tâm, không có những giây phút ngồi cùng với con, tâm sự cùng con,... thì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa.
Hãy cố gắng làm chậm lại nhịp sống của mình, cùng con cảm nhận và trân trọng những điều bé nhỏ. Mai này khi con khôn lớn, trường thành, chúng sẽ có kỷ niệm, sẽ nhớ về cha mẹ và chúng cảm thấy hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn