Thuốc bổ dù tốt đến đâu cũng phải phù hợp với thể chất, nếu không phù hợp thậm chí có thể thành liều thuốc độc. Theo Đông y Trung Quốc, những thứ sau đây dù là đại bổ nhưng lại tối kỵ với một số người nhất định.
Tam thất đại bổ nhưng người bệnh tim chớ dại ăn
Tam thất (điền thất) có chức năng làm tan huyết ứ và cầm máu, giảm sưng tấy, làm dịu cơn đau, điều trị tai biến mạch máu não và các bệnh mạch máu não khác kèm di chứng của chúng.
Tam thất kết hợp với nhân sâm, nghiền thành bột, chủ yếu thích hợp cho những người tỳ vị hư yếu, không thể thu nạp khí huyết, khí huyết khó lưu thông trong kinh lạc, đồng thời cũng có lợi ích nhất định đối với việc ổn định huyết áp và lipid máu. Người ốm bệnh ăn tam thất rất tốt, nó thường được dùng hầm gà, có tác dụng bổ khí, ích huyết, thích hợp cho người khí huyết hư nhược.
Tuy nhiên, người bệnh tim kỵ tam thất. Một số bệnh nhân có thể bị khô miệng, chóng mặt, mất ngủ, buồn nôn, nôn mửa, chảy máu mũi và nướu, rong kinh sau khi dùng tam thất và các chế phẩm từ tam thất. Có trường hợp dùng tam thất bị viêm thực quản, dị ứng phát ban, sốc phản vệ, ban xuất huyết dị ứng...
Nhân sâm không thích hợp cho người bị mất ngủ
Nhân sâm là vua của các loại thảo mộc. Loại thuốc quý này thể tăng cường tim, bảo vệ cơ tim, điều hòa huyết áp, lipid máu và lượng đường trong máu, điều hòa hệ thần kinh và cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, nhân sâm đại kỵ với những người mất ngủ, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm thần, cao huyết áp, suy thận... Nếu uống sẽ làm nặng thêm các triệu chứng.
Tiêu thụ quá nhiều nhân sâm có thể dẫn đến hội chứng lạm dụng nhân sâm, gây các triệu chứng như thần kinh hưng phấn, mất ngủ, huyết áp tăng cao. Một số người còn có biểu hiện trầm cảm, chán ăn, tụt huyết áp và dị ứng nếu dùng nhân sâm quá lâu.
Hải sâm: Người tỳ vị hư nhược, táo bón không nên ăn
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng hải sâm là thức ăn có tính ấm, có thể bổ thận dưỡng tinh, dưỡng huyết, làm ẩm khô. Chất đạm của hải sâm rất dễ hấp thu và tiêu hóa, thích hợp cho người già yếu và bệnh nhân sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, một số người không nên ăn ăn hải sâm, ví dụ trẻ em dương hư, người tỳ vị hư yếu, táo bón, nhiều đờm, miệng lở loét, hay cáu gắt. Người có tiền sử dị ứng hải sản, bệnh ngoài da cần thận trọng khi sử dụng.
Cao da lừa: Thần dược nhưng lại là con dao hai lưỡi
Là một vị thuốc đông y của Trung Quốc, cao da lừa có công năng dưỡng âm, dưỡng huyết, tán kết, có tác dụng chữa chứng huyết hư, ho khan, nôn ra máu, phân ra máu, kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. "Thần dược" này có tác dụng tốt đối với các trường hợp thiếu máu, lãnh cảm, ho ra máu, chảy máu tử cung.
Cao da lừa tuy tốt nhưng không nên ăn bừa bãi, chỉ nên dùng từ 3 đến 10 gam mỗi ngày. Nếu bạn bị cảm lạnh, ho, tiêu chảy hoặc đau bụng kinh, không nên dùng cao da lừa.
Những người tỳ vị hư yếu, người đau bụng, táo bón, thiểu niệu và nước tiểu vàng sậm... nên tránh xa món này.
Hà thủ ô: Người mắc bệnh gan không nên ăn
Là một vị thuốc Đông y nổi tiếng, hà thủ ô có nhiều công dụng chữa các bệnh khác nhau, giúp bổ khí, dưỡng huyết, làm đen tóc, tăng cường cơ xương... Hà thủ ô nấu chín có các chức năng dưỡng gan thận, dưỡng tinh khí huyết, đen tóc. Trong khi đó, hà thủ ô thô thường được sử dụng để nhuận tràng, xuất tinh và giải độc.
Tuy nhiên, những người bị suy gan và tiền sử gia đình mắc bệnh gan không nên ăn hà thủ ô. Không nên dùng hà thủ ô trong thời gian dài, tránh dùng đồng thời với các thuốc gây độc cho gan.
Quả táo tàu ngon nhưng 4 kiểu người sau không nên ăn
Táo tàu được nhiều người ví như quả trường sinh. Dân gian Trung Quốc lưu truyền, ăn mỗi ngày ba quả táo tàu, tuổi già sẽ tránh xa. Táo tàu có vị ngọt, tính ấm, có thể bổ khí, dưỡng huyết, xoa dịu thần kinh. Tuy nhiên, một số người sử dụng táo tàu không những không có tác dụng chăm sóc sức khỏe mà thậm chí còn gây họa.
- Người có chứng đàm ẩm
Đàm là chất đặc dính trong miệng, sinh ra trong quá trình ăn uống. Người có chứng đàm thấp có lớp phủ lưỡi dày và nhờn, chán ăn và thường cảm thấy đầy bụng. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, mí mắt và sưng mặt.
Người có chứng đàm thấp không nên ăn táo tàu, do loại quả này dễ gây ẩm ướt dẫn đến khó tống đờm và tăng ẩm ướt trong cơ thể, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng khó chịu trên. Những người có thể chất này thích hợp ăn các loại thực phẩm có tác dụng tăng cường tỳ vị, chống ẩm ướt như lúa mạch, đậu đỏ, khoai mỡ...
- Người dễ bốc hỏa
Những người này có tính nóng nảy, thường có triệu chứng táo bón, hôi miệng, cổ họng sưng đau. Táo tàu có vị ngọt, có tính ấm, bổ, nếu ăn với số lượng nhiều sẽ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.
- Người cảm lạnh
Khi người bị cảm lạnh, hơi lạnh xâm nhập vào cơ thể, nếu ăn táo tàu vào thời điểm này không có lợi cho việc phục hồi thể trạng.
- Người tiểu đường
Táo tàu chứa nhiều đường nên sẽ làm tăng lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường và làm bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, những người có lượng đường trong máu cao không nên ăn quả này.
Kỷ tử tốt cho mắt nhưng nhiều người ăn vào lại nôn ọe
Hạt kỷ tử có chức năng dưỡng âm bổ huyết, bổ gan thận, cải thiện thị lực. Kỷ tử bồi bổ cơ thể đồng thời làm ấm cơ thể nên những người có tính nhiệt ẩm, đàm thấp gây huyết áp cao, hay cáu gắt, người đang bị cảm và sốt, viêm nhiễm, tiêu chảy... tốt nhất không nên ăn hạt này.
Những người tỳ vị hư yếu, dạ dày khó tiêu không nên ăn kỳ tử vào mùa hè nắng nóng, nếu không sẽ có các triệu chứng như chán ăn, đầy bụng hoặc nôn ra nước chua.
Kỷ tử còn có hàm lượng đường cao, bệnh nhân tiểu đường không nên dùng quá nhiều.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn