Sáng 10/10, Hội LHPNVN tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin các chương trình nhân dịp kỷ niệm 88 năm thành lập Hội LHPNVN và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Tại buổi họp báo, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo, Hội LHPNVN, cho biết: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện, đã có sức lan tỏa rộng khắp cả nước hướng tới phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Qua 7 tháng triển khai, phụ nữ dân tộc thiểu số ở các vùng biên giới khó khăn nhất đã nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo các tầng lớp phụ nữ và người dân, cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể; tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội với nhiều cách làm sáng tạo và các kết quả nổi bật.
Bà Trương Thu Thủy cho biết: Triển khai chương trình đã có nhiều cách làm mới, ví dụ như truyền thông rộng rãi để phát động nhắn tin ủng hộ phụ nữ vùng biên có nguồn lực xây dựng mô hình sinh kế. Đây là lần đầu tiên triển khai hình thức nhắn tin ủng hộ, huy động được 1,4 tỷ đồng qua hoạt động này hỗ trợ cho 14 mô hình sinh kế. Ngoài ra, các tỉnh thành cũng có cách làm sáng tạo cùng huy động nguồn lực để hỗ trợ được nhiều mô hình hơn nữa về sinh kế, xây dựng nhà, nước sạch vệ sinh môi trường...
Đến nay, tổng kinh phí huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được gần 27 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Có 110 xã biên giới, hải đảo khó khăn được nhận hỗ trợ.
Chương trình này được đánh giá là có ý nghĩa và tính thiết thực rất cao cho phụ nữ nơi biên cương. Theo bà Trương Thu Thủy, trên cơ sở thực trạng, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các địa bàn biên giới, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương.
Đồng thời trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân tại địa phương tự thực hành; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế mang tính lâu dài như xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, con giống, vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ các công trình dân sinh phục vụ đời sống của hội viên, phụ nữ biên giới…
Bên cạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN các tỉnh ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cơ sở, truyền thông nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống và được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm như: Di cư lao động an toàn, tham gia bảo vệ đường biên mốc giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua bán người, ma túy, bạo lực gia đình, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh...