Chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc thiết lập các thói quen tài chính tốt và thực hành chúng mỗi ngày để đạt được các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong cuộc sống. Tuy nhiên, một sai lầm phổ biến của nhiều người là tham vọng quá mức khi quyết định cải thiện cuộc sống tài chính của mình. Họ cố gắng thay đổi quá nhiều thói quen và đấu tranh để duy trì chúng rồi nhanh chóng thất bại.
Giải pháp cho vấn đề này là gì? Tanya Peterson, Phó Chủ tịch thương hiệu của Freedom Financial Network, khuyên rằng hãy bắt đầu với việc chỉ chọn một hoặc hai thói quen để thay đổi. Dưới đây là 7 thói quen tài chính bạn có thể tạo lập và thực hiện mỗi ngày để cải thiện sức khỏe tài chính tổng thể của mình.
Tạo ngân sách và bám sát
Nếu bạn chưa có ngân sách, đã đến lúc bạn tạo ra cho mình một ngân sách. Nếu bạn đã có ngân sách, hãy tiếp tục sử dụng. Valerie Moses, giám đốc quan hệ cấp cao tại Addition Financial, nói rằng việc tạo lập và tuân thủ ngân sách là một trong những thói quen tài chính tốt nhất ai cũng có thể thực hiện.
“Việc có ngân sách sẽ giúp bạn định hướng được nguồn tiền của mình đi đến những đâu và giúp bạn kiếm thêm được nữa”, Moses nói.
Bạn có thể tham khảo các phương pháp khác nhau để tạo lập ngân sách cho mình. Nhớ rằng, không có phương pháp nào là phù hợp nhất cho tất cả mọi người, quan trọng là bạn thấy phù hợp với mình.
Thanh toán hóa đơn đúng hạn
Đây là thói quen bạn cần thực hành thường xuyên. Đơn giản là thanh toán hóa đơn đúng hạn sẽ giúp bạn tránh đẩy mình vào tình huống khó khăn cũng như tránh phải chịu phí do thanh toán trễ hẹn.
Kiểm tra tài khoản hàng ngày
Bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản séc và tiết kiệm? Các chuyên gia đều khuyên chúng ta hãy tạo thói quen kiểm tra tài khoản của mình mỗi ngày.
Bạn sẽ luôn biết mình đang có bao nhiêu tiền và việc đó sẽ giúp bạn tránh bị thấu chi tài khoản hoặc phát hiện nếu có bất kỳ hành vi gian lận nào diễn ra. Giờ đây, bạn có thể theo dõi tài chính của mình qua các ứng dụng ngân hàng trực tuyến và di động dễ dàng hơn bao giờ hết.
Thực hành thói quen “chồng chất”
Thực hiện thói quen “chồng chất” là gì và nó có liên quan gì đến tài chính cá nhân? Alvin Carlos, nhà lập kế hoạch tài chính tại District Capital Management, cho biết việc xếp chồng các thói quen là cách bạn gắn một thói quen tài chính với một thói quen bạn hiện có. Thay đổi này sẽ giúp bạn dễ tập trung vào thói quen tài chính mới hơn.
Carlos lấy ví dụ rằng bạn có thể kiểm tra tài chính của mình sau khi chạy bộ vào cuối tuần hoặc sau khi uống cà phê mỗi sáng thứ 7. Bạn cũng nên đặt thêm vào lịch trình của mình việc xem xét tình hình tài chính mỗi tháng một lần.
Tự động tiết kiệm 10% mỗi lần nhận lương
Theo Peterson, mỗi chúng ta hãy tạo thói quen tiết kiệm ngay khi có thể. Đừng chờ đợi đến một lúc nào đó mới thực hiện. Hãy bắt đầu bằng cách tiết kiệm 10% (hoặc nhiều hơn nếu có thể hoặc ít hơn nếu cần) mỗi khi có lương.
“Hãy biến nó thành thói quen bằng cách tự động hóa. Bạn sẽ không còn phải mất thời gian, sức lực nghĩ ngợi việc tiêu tiền”, Peterson nói.
Bạn hoàn toàn có thể cài đặt chế độ để tự động chuyển 10% mỗi khi thu nhập phát sinh sang tài khoản tiết kiệm hoặc tự chuyển khoản tiền đó.
Tìm kiếm các cách nhỏ giúp tiết kiệm tiền
Trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, Peterson khuyên bạn nên tìm ra những cách “nhỏ mà có võ” để tiết kiệm tiền. Đừng nghĩ rằng tiết kiệm nhất định phải là điều gì đó ghê gớm và lớn lao, đó có thể đơn giản là giặt quần áo bằng nước lạnh thay vì nước nóng, tự chuẩn bị bữa sáng, đồ uống cho mình thay vì ra ngoài hàng.
“Những thứ nhỏ nhặt có thể khiến bạn thấy không đáng kể nhưng khi bạn hình thành và phát triển được thói quen này, bạn sẽ chi tiêu hợp lý hơn. Bạn sẽ thấy những tích cóp nhỏ đó dần tăng lên và thấy mình ngày càng ăn uống, sống lành mạnh hơn”, Peterson nói.
Đặt mục tiêu tài chính
Để có thể gắn bó với thói quen tài chính, bạn nhất định phải có mục đích. Hãy xem những thói quen đó giúp bạn được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn như thế nào. Đó có thể là mục tiêu nghỉ hưu ở tuổi 50 hoặc 60, đi du lịch, có thời gian theo đuổi sở thích nào đó hoặc một chiếc xe mới.
“Một khi bạn tập trung vào những gì bạn muốn trong cuộc sống này, việc tạo ra thói quen tiết kiệm và chi tiêu sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu đó dễ dàng hơn”, Peterson nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn