Cha mẹ ai cũng yêu thương, luôn cố gắng đem những điều tốt đẹp cho con. Nhưng sẽ có một số thói quen của cha mẹ sẽ dạy hư các bé.
Trẻ con là 1 tờ giấy trắng. Chúng sẽ luôn quan sát người lớn, đặc biệt là cha mẹ mình để bắt chước. Vì vậy, khi cha mẹ không tôn trọng người khác, thường cư xử thất lễ hoặc không đúng mực với ai đó, con cũng sẽ coi thường người ấy.
Trẻ không tự nhiên học được thái độ tôn trọng người khác mà cần cha mẹ khuyến khích, dạy bảo những điều tốt-xấu, phải-trái. Dạy con tôn trọng người khác là cả 1 quá trình lâu dài. Cha mẹ hãy thường xuyên nói "xin lỗi" và "cảm ơn" khi nhờ con làm điều gì đó. Trẻ sẽ quan sát và học hỏi những điều tốt đẹp đó từ người lớn.
Nhiều cha mẹ thương con, muốn chúng dành nhiều thời gian để học, vui chơi, ăn uống... nên đã quyết định thay con làm hết mọi việc trong nhà.
Tuy nhiên đây là cách dạy con sai cách. Bởi khi lớn lên, chúng sẽ thụ động, lười biếng và phụ thuộc vào người khác. Khi con không thể sống tự lập, sẽ rất khó khăn khi chúng bước ra ngoài xã hội bươn chải kiếm sống.
Bạo lực chưa bao giờ là phương pháp giáo dục con tốt. Hành vi này của cha mẹ chỉ khiến con có cảm xúc tiêu cực. Chúng dễ dàng trở thành 1 người cục xúc, lì lợm. Khi có va chạm xích mích với người khác, trẻ dễ dàng lấy "nắm đấm" để giải quyết vấn đề.
Nhiều trường hợp, khi cha mẹ la mắng, đánh đập, tự nhiên trong lòng con nảy ra lòng thù hận. Khi tâm lý cảm xúc biến chứng, sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.
Không ít các trường hợp khi con mắc lỗi sai như hỗn láo với người lớn, đánh người lạ... cha mẹ không can thiệp mà chỉ đứng nhìn, hoặc cười. Thậm chí người lớn còn khuyến khích, ví dụ như xúi con "đánh yêu" mẹ, tát bố,... Cũng có không ít trường hợp khi con quậy phá, làm phiền người khác, cha mẹ lại xúy xóa bằng cách nói: "Trẻ con có biết gì đâu".
Điều này hoàn toàn tai hại. Nó sẽ khiến con không nhận thức được hành vi sai trái của mình để điều chỉnh. Vì vậy khi con hư, cha mẹ phải "nắn" ngay. Nhưng không có nghĩa là dùng bạo lực hoặc những lời la mắng để dạy chúng.
Khi đã hứa với trẻ thì người lớn phải thực hiện. Bởi thất hứa đối với con nít là 1 tội lỗi lớn. Những hành vi này dần già sẽ khiến con trở thành 1 người hứa sáo rỗng, không có trách nhiệm với hành vi của mình và thoái thác cho người khác.
Khi không giữ đúng lời hứa, cha mẹ sẽ làm con thất vọng, không còn tin tưởng cha mẹ.
Cha mẹ không dám nhận những hành vi sai trái của mình thì làm sao giáo dục được con có trách nhiệm với việc mình làm?
Nếu bạn có hành vi gì làm sai trước mặt con cái, hãy nhanh chóng chỉ ra sai lầm của mình và dùng chính sai lầm đó để dạy bảo con. Bạn không nên lờ đi và đừng hy vọng chúng không để ý. Các con của bạn đã nhìn thấy hết đấy.
Nếu bố mẹ cứ hay cãi nhau, tranh luận trước mặt con cái, chắc chắn con bạn sẽ nghĩ rằng đây là cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề. Con không biết cách kiểm soát cảm xúc, dễ cáu kỉnh hơn.
Bố mẹ hãy cố gắng học cách kiểm soát căng thẳng, kiềm chế cảm xúc của mình khi những việc tồi tệ xảy ra. Vì cãi nhau có thể cho bạn cảm thấy tốt hơn lúc đầu nhưng sau đó sẽ mang đến những hậu quả rất nặng nề về mặt cảm xúc cho các thành viên trong gia đình.
Thái độ và hành động của bố mẹ có thể theo con đi suốt cuộc đời; và chắc chắn không ai trong chúng ta lại muốn "gia tài" mình hư hỗn, gặp phải khó khăn trong cuộc sống cả. Vì vậy ngay từ hôm nay cha mẹ hãy điều chỉnh hành vi của mình trước mặt các con nhé!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn