70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ!

08:00 | 21/04/2020;
70 năm trước, theo Chỉ thị của Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh, Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) được thành lập vào ngày 21/4/1950 tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa thuộc An toàn khu thời kháng chiến 9 năm trường kỳ.

Tháng 8/2004, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận nơi chào đời của giới báo chí cả nước là Di tích lịch sử quốc gia. Trân trọng, tri ân nơi “chôn rau, cắt rốn” của làng báo Việt, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) đã dựng bia di tích cùng nhà 2 tầng làm nơi trưng bày những ký ức đáng nhớ về sự kiện trọng đại này. Đồng thời HNBVN cũng hỗ trợ, giúp đỡ địa phương một số hiện vật phục vụ đời sống tinh thần của bà con từng chia sẻ ngọt bùi với mình thời chinh chiến nếm mật nằm gai nơi thủ đô gió ngàn.

70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ! - Ảnh 1.

Lán Nà Lừa nơi Bác ở, lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Ảnh:TL

Điềm Mặc có từ thời nhà Lý, cách thị trấn chợ Chu (Thái Nguyên) không xa, rộng 14km2 với khoảng hơn 4.000 người thuộc 3 dân tộc là Tày, Nùng và Kinh. Người dân sống thuần nông bằng nghề trồng chè với khoảng 350ha. Dấu ấn nổi trội của xã này là có 14 di tích lịch sử cấp quốc gia. Vinh dự hơn, kể từ ngày 19/5/1947 của thế kỷ trước, Bác Hồ đã về sống, làm việc tại đồi Khau Tý và lán Nà Lừa để lãnh đạo nhân dân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh, giải phóng dân tộc. Cùng thời điểm Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Quốc Việt… cũng sống, làm việc trong khu vực phụ cận,

Tố Hữu viết: “Mình về, mình có nhớ chiến khu/Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Bởi thế năm nào HNBVN, HNB tỉnh Thái Nguyên và một số nhà báo trong cả nước đều đặn tìm về cội nguồn, như để tiếp thêm năng lượng, để nuôi chí bền trong cuộc trường chinh cùng dân tộc dựng xây, bảo vệ xứ sở thời hội nhập, toàn cầu hóa.

Báo Thanh Niên do Bác Hồ kính yêu sáng lập là Suối nguồn cách mạng. Nơi thành lập HNBVN tại Điềm Mặc cũng là một nhánh của dòng chảy cuồn cuộn, không ngơi nghỉ khởi đi từ Suối nguồn cách mạng sau đó đúng 35 năm. Điểm khác chăng là ngày khai sinh Hội - Ngôi nhà chung của làng báo Việt sinh nở ngay giữa trời mây khói lửa chiến tranh thời 9 năm kháng chiến trường kỳ, nơi núi ngàn Việt Bắc…

70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ! - Ảnh 2.

Các đồng chí lãnh đạo HNBVN thăm Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Ảnh: Hoàng Huy

Lần theo ý thơ của Bác, hơn chục năm trước đúng dịp 21/6, tôi theo hai nhà báo kỳ cựu, lão thành là Hoàng Tùng, nguyên Chủ tịch Hội và Hồng Hà nguyên Phó Chủ tịch HNBVN trở lại Điềm Mặc. Hai cụ, hai nhà báo “chóp bu” ngồi “chiếu giữa” lững thững dọc bờ suối sát bản Nà Lừa với bước đi chậm rãi không phải vì tuổi cao mà để tuôn trào ký ức về xứ sở mà theo hai cụ là thiêng liêng, bất tử như chính máu thịt của mình. Vào một chiều đầy nắng, dưới tán cây đa xòe rộng, cụ Hoàng Tùng đi giày đá bóng (chống trượt) thủ thỉ: Khác thời Bác mới trở về nước ở Pắc Bó “Sáng ra bờ suối tối vào hang”… Nơi đây, khi kết thúc công việc trong ngày, Bác Hồ vẫn ra đây đánh bóng chuyền với anh em Văn phòng Chính phủ. Sau vài ba séc cụ mới ngụp lặn suối trong trước khi về lán nơi lưng chừng núi.

Nhà báo Hồng Hà say sưa kể về những chuyến đi công tác từ đại bản doanh Trung ương sang mạn Bắc Giang và đường số 4 - nơi “Gió từ Đèo Khế gió sang” gợi nhớ mấy nhà báo liệt sỹ hy sinh trên đường công tác khi tuổi đời của các anh còn rất trẻ. Thôi Hữu người xứ Thanh, làm việc ở báo Nhân Dân hy sinh năm 1950 khi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chuyển giai đoạn từ phòng ngự sang tấn công. Thi sĩ Hoàng Lộc - anh vệ quốc đoàn người xứ Đông (Hải Dương) chào đời năm 1922, qua đời năm 1949 (Kỷ Sửu).

Hồng Hà nói như tâm sự: Dân làm báo chúng ta gần như ai cũng thuộc bài thơ để đời của anh, bài “Viếng Bạn”: “Hôm qua còn theo anh/Đi ra đường quốc lộ/Hôm nay đã chặt cành/Đắp cho người dưới mộ/Khóc anh trong nước mắt/Mà lòng đau như cắt/Gọi anh chửa thành lời/Mà hàm răng dính chặt”…

Nhà báo liệt sĩ Trần Đăng, Vũ Cao cũng về cõi tiên trong cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc. Sau này, cả 5 nhà báo liệt sĩ vừa dẫn được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Huân chương cao quý.

Những ai từng ngược đường lên Điềm Mặc đều dừng chân và như tắm mình bởi ký ức nhân bản tại nhà lưu niệm Bác Hồ thời súng nổ, gươm khua đặt ở Đèo De. Ai đó đã thốt lên thời làm báo 9 năm gian khổ mà tự hào bởi có Bác Hồ dẫn dắt và luôn ở cạnh mình trong rừng già: “Bác ở bên này Đèo De, con cháu làm báo ở bên kia núi Hồng”. Đó là hạnh phúc cuộc đời của người cầm bút.

70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ! - Ảnh 3.

Đường vào Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm thành lập HNBVN. Ảnh Sơn Lâm

Hòa bình lập lại, Thủ đô giải phóng ngày 10/10/1954, từ núi ngàn Việt Bắc trở về Hà Nội, HNBVN đặt đại bản doanh tại 59 phố Lý Thái Tổ, theo bố trí của Ủy ban Quân quản Hà Nội do Tướng Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch.

Lịch sử vốn không lặp lại, nhưng Hà Nội mến yêu của ta lại có những hai tháng 12 đáng nhớ. Hơn thế, đó là thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc gắn bó bằng thứ keo đặc biệt với lịch sử báo chí. Tháng 12 năm 1946 của thế kỷ trước, cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ Hà Nội với 60 ngày đêm rực lửa chiến đấu và hờn căm kẻ thù xâm lược. Ngày đó, địa danh 59 Lý Thái Tổ và khu Đông Kinh Nghĩa Thục chạy dài lên khu chợ Đồng Xuân là chiến lũy một mất một còn của người Hà Nội. Sự kiện thứ hai, đó là 12 ngày đêm của Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, chống lại cuộc tập kích của pháo đài bay B52.

Hỡi Tổ quốc dấu yêu! Hỡi con Rồng cháu Lạc trải mấy ngàn năm lịch sử mãi mãi có thể nào quên được những ngày chiến đấu mùa Đông năm 1946, thời điểm này, báo Cứu Quốc bắt đầu chuyển dần nhà in từ 44 Hàng Trống  (nay là phố Lê Thái Tổ) ra Thanh Oai (Hà Đông). Một số nhà báo, công nhân nhà in được đồng chí Xuân Thủy phân công ở lại khu trung tâm nội thành để vừa chiến đấu vừa đưa tin chiến sự. Vào 20 giờ 3 phút tối 19/12/1946, điện thành phố vụt tắt. Đại bác của quân đội ta nã những phát súng đầu tiên vào hàng loạt căn cứ của địch. Cùng lúc Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi trên làn sóng điện mệnh lệnh chiến đấu của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Cả Hà Nội ầm ầm lửa đạn, rực lửa chiến đấu và chiến thắng.

Tự hào thay, đúng như lời của Bác: “Tờ báo là ngọn cờ cách mạng. Nhà báo cũng là chiến sĩ”. 62 năm trước, khu vực 59 Lý Thái Tổ - trụ sở Hội hiện nay cùng Đông Kinh Nghĩa Thục gọi là Liên khu I nằm lọt trong vành đai lửa cuộc chiến tuy ngắn ngủi, chỉ 60 ngày đêm mà cái ác liệt và đẫm máu không thể tính thời gian. Các nhà báo Hoàng Phong, Hải Ly tham gia chiến đấu với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tương lai tại phố mang tên vua, phố Hàng Bè, Phát Lộc. Tại Liên Khu II (phía Nam) có các nhà báo Như Phong, Hồng Hà.  Liên khu III (phía Tây Hà Nội) có nhà báo Lưu Động và Thanh Đạm…  Ngày đó, các nhà báo vừa làm tin, viết bài vừa chắc tay súng cùng bộ đội bảo vệ từng tấc đất của Hà Nội.

70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ! - Ảnh 4.

Bia di tích thành lập HNBVN.

Những năm Đổi Mới, ngôi nhà số 59 vinh dự đón các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… đến thăm, chỉ đạo, dặn dò làng báo cùng bạn bè quốc tế năm châu bốn biển in dấu chân hòa bình, hữu nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có câu nói để đời ngay tại trụ sở Hội: “Tâm sáng, Bút sắc”. Bức trướng 25 chữ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng giới báo chí vào ngày 21/6/2000 cũng tại đây: “Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Mấy năm lại đây, Hội có thêm trụ sở mới ở đường Dương Đình Nghệ thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Không xa mấy trụ sở Hội là con phố mang tên nhà báo liệt sĩ Nguyễn Kim Xuyến - nguyên Phó Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, liệt sĩ đầu tiên của làng báo, hy sinh năm 1947 trên đường ra trận.

Không biết có phải là phúc đức hay như phong thủy trong thuyết Thiên Địa Nhân (nhìn từ duy vật biện chứng) những nơi đặt cơ ngơi của Hội đều gắn liền với lịch sử dân tộc, cách mạng.

Từ Quảng Châu đến Điềm Mặc về 59 Lý Thái Tổ nối với Dương Đình Nghệ là một dòng chảy cuồn cuộn, không ngơi nghỉ gắn với lịch sử cách mạng, hào hùng của dân tộc quyện chặt với lịch sử đương đại của làng báo Việt Nam với trên 25.000 hội viên nhà báo trải qua bảy thập kỷ đồng hành, xả thân, dâng hiến cùng sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vang mãi thời đại Hồ Chí Minh.

70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Tháng 4 một thời để nhớ! - Ảnh 5.

(Nhà báo & Công luận)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn