7.000 cuộc đình công trái luật

18:13 | 02/06/2016;
Có hơn 7.000 cuộc đình công của người lao động từ năm 2000 đến nay, nhưng không có cuộc đình công nào đúng luật, là thông tin Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra sáng nay 2/6.

 

dinh-cong-2.jpg
Công nhân Công ty TNHH Green Apparel (TP.HCM năm 2015) - ảnh BHXHVN 

Tại buổi đối thoại về những vướng mắc trong thực hiện Bộ luật Lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH với các doanh nghiệp, nhiều ý kiến nêu ra thực trạng đình công tràn lan, không đúng luật. Tuy nhiên, lỗi không phải hoàn toàn thuộc về người lao động. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: Từ năm 2000 đến nay, có hơn 7.000 cuộc đình công của người lao động, thì 100% cuộc đình công trái luật. Mặc dù trong các văn bản pháp luật lao động đã nêu việc phân định bồi thường, nhưng theo ông Cẩm, 'cho đến nay chưa có cuộc đình công nào được chủ sử dụng lao động bồi thường'.

Về thực hiện đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, theo ông Cẩm, quy định đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, nhưng không có nhiều doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động dành một chương về tranh chấp lao động, song công Cẩm cho biết, hoàn thiện các thủ tục để tổ chức được 1 cuộc đình công ở cơ sở cho đúng luật thì phải mất 20 đến 22 ngày. Trong khi đó, bức xúc của người lao động không chờ được đến lúc hoàn tất các thủ tục để đình công. Vì thế, đình công cứ diễn ra tràn lan.

Về vấn đề này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH lý giải việc tổ chức đối thoại, doanh nghiệp đang đặt nặng tư tưởng phải tổ chức các hội nghị đối thoại lớn, hoành tráng. Trong khi, quy định trong luật không bắt buộc các doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại bằng hình thức nào, mà có thể đối thoại linh hoạt, phù hợp với từng đơn vị doanh nghiệp nhằm giải quyết các tranh chấp lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Tư tưởng trong Bộ luật Lao động là giao quyền thỏa thuận cho 2 bên là chủ sử dụng và người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa tiếp cận ngay được vấn đề. Theo ông Phạm Minh Huân, tư tưởng trong bộ luật Lao động là muốn 2 bên tiếp tục ngồi với nhau để đối thoại, thông qua thương lượng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối thoại thông qua quy chế của doanh nghiệp, hệ thống quy định nội bộ, thỏa ước lao động để giải quyết tranh chấp là rất yếu. Vì vậy, hàng ngàn cuộc đình công đã diễn ra, nhưng không có cuộc đình công nào hợp pháp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn