|
Giờ Trái Đất hưởng ứng bảo vệ môi trường |
2017 là năm đánh dấu "sinh nhật" lần thứ 11 của Giờ Trái Đất - sự kiện môi trường lớn nhất thế giới. Đến nay, có 172 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố đã cùng chung tay vì chiến dịch bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đây là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm đối phó với tình trạng biến đối khí hậu toàn cầu.
|
Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên ở Sydney (Australia) năm 2007 |
Bắt đầu từ năm 2007, tại Sydney (Australia), sự kiện Giờ trái đất lần đầu tiên trên thế giới được tổ chức với chỉ 2 triệu người tham gia. Sau đó, nhờ truyền thông ý nghĩa quan trọng của hoạt động này trong việc đề cao tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải CO2 - một loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính, đánh đánh động ý thức của mọi người bảo vệ môi trường, Giờ trái đất đã trở thành sự kiện quốc tế. Hoạt động này khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 hằng năm... Ban đầu chỉ là vận động tắt đèn 60 phút mỗi năm nhưng sau đó, hoạt động này tạo ra nhiều ý nghĩa và đã được nhân lên, không chỉ bó hẹp trong 60 phút nữa.
|
Các em học sinh tham gia chiến dịch Giờ Trái đất |
Các nhà hoạt động môi trường cho rằng Giờ Trái đất có thể góp phần thay đổi nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên. Chiến dịch tắt đèn này cũng là lời nhắc nhở con người về một vấn đề khác lâu nay ít được quan tâm đó là tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Theo thống kê của các nhà khoa học, hơn 80% nhân loại sống dưới "bầu trời ánh sáng nhân tạo". Cụ thể, tại Mỹ và Tây Âu, có tới 99% cư dân - hầu hết họ không thể phân biệt được Dải Ngân Hà trong bầu trời đêm. Ánh sáng nhân tạo được chứng minh là đã làm xáo trộn chu kỳ sinh sản của một số động vật và sự di cư của loài chim (vốn thường sử dụng các vì sao để xác định hướng di chuyển), đồng thời cũng khiến các loài côn trùng bay trong đêm bị mất phương hướng. Đối với con người, nhịp sinh học giúp điều tiết hormon và các chức năng khác của cơ thể cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải tiếp xúc với lượng ánh sáng quá mức về đêm.
|
Tháp Eiffel - biểu tượng của thủ đô Paris (Pháp) tráng lệ sẽ tắt đèn hưởng ứng giờ Trái Đất 2017 |
Bà Diana Umpierre - Chủ tịch Hội Bầu trời đêm Quốc tế cho biết tình trạng ô nhiễm ánh sáng tại bang Florida (Mỹ) , quê nhà của bà đang ngày càng tồi tệ hơn. Theo bà Umpierre, "mọi thứ đang đi sai hướng" trong bối cảnh dự kiến sẽ có thêm 15 triệu cư dân sinh sống tại bang này trong 50 năm tới, đồng nghĩa với việc sử dụng lượng ánh sáng nhân tạo đáng kể đi kèm. Bà Umpierre cho rằng một trong những thách thức lớn nhất cản trở cuộc chiến chống ô nhiễm ánh sáng chính là thuyết phục mọi người rằng "ánh sáng" không đồng nghĩa với "sự an toàn". Một số nghiên cứu cũng cho thấy con người sẽ lái xe cẩn thận hơn, chậm đều hơn khi có ít ánh sáng hoặc không có ánh sáng đèn điện trên đường.
|
Người dân Trung Quốc hưởng ứng Giờ Trái đất 2017 |
Trong 15 năm qua, các nhà sinh học, bác sĩ và các tổ chức phi chính phủ đã cùng tham gia cuộc chiến chống ô nhiễm ánh sáng bằng việc liệt kê chi tiết các tác động tiêu cực của cường độ ánh sáng quá mức đối với sức khỏe và sự sống của con người cũng như các loài động vật khác. Trong năm 2012, Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) kết luận rằng việc sử dụng ánh sáng "quá mức" vào ban đêm có thể phá hoại giấc ngủ và khiến tình trạng rối loạn giấc ngủ thêm trầm trọng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm ánh sáng còn có thể liên quan tới tới bệnh ung thư, béo phì, tiểu đường và trầm cảm.
|
Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất |
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm ánh sáng, nhiều chính quyền địa phương ở các quốc gia giàu có đang nỗ lực thay thế các loại đèn đường bằng đèn huỳnh quang LED, được cho là vừa bền vừa tiết kiệm năng lượng. Tại Mỹ, 10% các đèn công cộng đã được thay thế bằng đèn LED, một bước tiến đáng mừng trong nỗ lực chống hiện tượng ấm lên toàn cầu, giúp giảm tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện năng. ở Argentina, giờ Trái Đất đã giúp huy động sự ủng hộ của những nhà hảo tâm để tạo ra một khu bảo tồn biển rộng tới 3,4 triệu ha. Tại đất nước Uganda, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp đã cùng chung tay tạo ra khu rừng "Giờ Trái Đất" đầu tiên.