72% sữa kém chất lượng là do... bảo quản

09:39 | 26/08/2016;
Đó là thông tin được Viện Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra tại Hội thảo “Sức khỏe và An toàn Thực phẩm đối với cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm tổ chức.
Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thực phẩm cho biết, theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ có 1% nguyên nhân sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất, 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo chỉ định, 5% chưa rõ nguyên nhân. 
hong-hao.JPG
 Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thực phẩm trình bầy tại hội thảo
Đặc biệt, sữa xách tay ẩn chứa nhiều rủi ro nhất bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Mới đây, Công ty sữa Meiji (Nhật) đã cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam có thể là hàng giả. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đưa ra những khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không nên tin tưởng vào hàng xách tay không có nhãn phụ Tiếng Việt, bao bì toàn ngoại ngữ. Việc không đọc được thông tin có thể dẫn đến bỏ sót những thông tin quan trọng về một thành phần có trong sữa có thể gây dị ứng, pha sữa không đúng công thức khuyến cáo... Ngoài ra, có thể mua phải hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ.

Theo bà Hảo, người tiêu dùng không nhất thiết phải bỏ ra nhiều tiền để mua sữa ngoại trong khi chất lượng còn đang là câu hỏi ngỏ. Với với sữa Việt Nam, số liệu của Ủy ban Quốc tế về phụ gia thực phẩm (WHO&FAO) tại Việt Nam đã khẳng định, 75-78% nguyên liệu sản xuất sữa tại Việt Nam được nhập từ các hãng sữa lớn trên thế giới với quy trình kiểm duyệt chặt chẽ như các hãng uy tín Abbott, Mead Johnson... 

Việt Nam đầu tư cho an toàn thực phẩm quá thấp

Ông Đinh Quang Minh - Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 170 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.000 người mắc, 31 người tử vong. Đây mới chỉ là số lượng thống kê được, còn thực tế có thể cao hơn.

Cũng theo ông Minh, các ca ngộ độc thực phẩm tập trung chủ yếu vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, trên 50% các vụ ngộ độc xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc thực phẩm xảy ra ở bếp ăn gia đình chiếm 51,2 %, ở tập thể chiếm trên 18%, ngoài ra còn có các địa điểm như đường phố, nhà hàng, khách sạn…

Liên quan đến tài chính phòng chống an toàn thực phẩm, ông Minh cho biết, từ năm 2000 đến 2005, Việt Nam đầu tư cho an toàn thực phẩm là 780 đồng/người/năm; từ năm 2006 đến 2010 là 3.000 đồng/người/năm; từ năm 2012-2015 là 1.500 đồng/người/năm. Tỷ lệ cấp so với nhu cầu cần là 27,3%. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp cho công tác an toàn thực phẩm nguồn ngân sách nào. Trong khi đó, Thái Lan chi ngân sách cho an toàn thực phẩm là 20.000 đồng/người/năm.

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm, cả nước có trên 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chủ yếu thủ công, lạc hậu, mang tính chất hộ gia đình. Trong khi đó, cán bộ quản lý an toàn thực phẩm rất mỏng: Cục An toàn Thực phẩm có 100 cán bộ, ở các chi cục địa phương trung bình là 15 cán bộ. So với các nước khác, đây là con số quá mỏng.
nguyen-tac-che-bien-thuc-pham.jpg
Nguồn:  Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn