U60 start-up bằng sản phẩm xanh

05:00 | 09/02/2021;
"Tôi nghĩ khởi nghiệp có thể dành cho mọi lứa tuổi. Mọi người muốn thay đổi cuộc sống và giúp ích cho cộng đồng xã hội thì không có việc gì khó". Với suy nghĩ đó, ở độ tuổi thất thập, bà Nguyễn Thị Đông (SN 1946) vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên hành trình start-up của mình.

Công tác tại Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng thuộc Tổng cục đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công Nghệ, năm 2000, bà Nguyễn Thị Đông về hưu. "Lúc đó, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên quê tôi muốn tôi về mở một nhà máy sản xuất hóa mỹ phẩm. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng, tôi quyết định start-up ở tuổi 58. Đó là năm 2003. Tôi về Hưng Yên thành lập nhà máy chuyên sản xuất các loại mỹ phẩm từ thảo dược và một phân xưởng chuyên sản xuất bao bì carton để phục vụ cho mình và bạn bè", bà Nguyễn Thị Đông nhớ lại.

Đi khắp nơi để tìm sản phẩm "xanh"

Với phương châm "sản phẩm vì cuộc sống xanh", bà Nguyễn Thị Đông sử dụng những kiến thức tích lũy được trong gần 40 năm công tác để nghiên cứu ra những sản phẩm hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe.

 Khởi nghiệp ở tuổi 70 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Đông (phải) giới thiệu sản phẩm của mình tại một hội nghị

Năm 2005, xây dựng xong nhà máy, bà bắt đầu đi các vùng miền, tìm nhiên liệu sản xuất. Thời đó việc này vô cùng khó khăn. U60, bà Đông vẫn mày mò đi tìm thảo dược. Bà vào Bến Tre để tìm dừa, đi Đắk Lắk để tìm các loại tinh dầu của cây sầu đâu; đi Nghệ An để tìm nguồn bồ kết, cỏ móng rồng; đi Thanh Hóa, đến vùng giáp Lào để tìm nguồn tre chất lượng cao và cao tre... Có nguyên liệu rồi, bà trực tiếp vào phòng thí nghiệm để làm ra các sản phẩm như xà phòng than tre chữa các bệnh ngoài da, dầu gội thảo dược, nước rửa tay, nước giặt, nước rửa chén...


Bà Nguyễn Thị Đông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan, chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm từ thảo dược thiên nhiên và bao bì carton. Năm 2020, bà vinh dự là 1 trong những gương mặt tiêu biểu được nhận giải thưởng tại cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

"Tôi phải nghiên cứu ra các sản phẩm khác biệt. Nếu không thì không thể cạnh tranh được với các sản phẩm của tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia. Tôi chỉ mong làm ra nhiều sản phẩm tốt để người dân Việt Nam được dùng với giá rẻ nhưng hiệu quả lại cao", bà Đông chia sẻ.

Sau những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng, bà đã xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế, đến với nhiều thị trường như Nhật Bản, Cuba, các nước trong khu vực ASEAN.

Vượt khó trong mùa dịch

Ngoài việc tập trung sản xuất, người phụ nữ ngoài 70 tuổi này luôn dành thời gian tìm hiểu, thăm dò, nắm bắt xu hướng thị trường. Trong đợt dịch Covid-19, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà đã tăng cường sản xuất, nhanh chóng đưa sản phẩm nước rửa tay khô Ochi ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân. Với chiến lược giữ nguyên giá bán sản phẩm đối với các đại lý và nhà phân phối, tránh các cá nhân đầu cơ, bảo đảm người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý, các sản phẩm do Công ty sản xuất ra đều được thị trường đón nhận.

 Khởi nghiệp ở tuổi 70 - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Đông sử dụng những kiến thức tích lũy được trong gần 40 năm công tác để nghiên cứu ra những sản phẩm hóa mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên...

"Sau nhiều năm vừa làm vừa học hỏi, đến nay, công ty của chúng tôi đã có 30 sản phẩm. Các sản phẩm đều được người dùng yêu thích và đã được nhiều giải thưởng cả trong nước và nước ngoài. Năm nào tôi cũng tham gia các cuộc thi sản phẩm khởi nghiệp do các cấp Hội tổ chức và đều được giải cao. Năm nay, ở tuổi 74, hành trình khởi nghiệp của tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm phục vụ phụ nữ và bà con nông dân như chế phẩm chữa lợn tai xanh, chế phẩm thảo dược phun sâu bọ, chế phẩm xử lý nước thải nhà máy. Tôi nghĩ khi muốn làm một việc gì để đi đến thành công thì phải biết yêu công việc của mình đang làm và không bao giờ bỏ cuộc", bà Đông cho biết.

Người cao tuổi khởi nghiệp

Khởi nghiệp cho người cao tuổi được coi là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, để người cao tuổi tiếp tục được cống hiến, sống vui, sống khỏe, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội. Theo TS. Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Trưởng ban Chương trình Quốc gia về việc làm thuộc Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, người cao tuổi có lợi thế khi làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ xã hội. Các mối quan hệ này được bồi đắp qua nhiều năm tích luỹ mà người trẻ không có được.

Tại nhiều nước như Mỹ, Israel, Hàn Quốc... người cao tuổi khởi nghiệp là lĩnh vực luôn được quan tâm, bởi họ coi nhóm người cao tuổi là nguồn lực quý của quốc gia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn