Với 474/477 ĐBQH có mặt bấm nút tán thành, sáng 28/7, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 20251.
Chương trình đặt mục tiêu tổng quát thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra bao gồm: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình được Quốc hội phê duyệt là tối thiểu 75.000 tỷ đồng, trong đó Vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng và huy động các nguồn hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng.
Giải trình trước Quốc hội liên quan đến một số chỉ tiêu đưa ra để thảo luận trước đó được ĐBQH cho là thiếu tính định lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tiếp thu ý kiến và có điều chỉnh. Theo đó, đối với các chỉ tiêu cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó yêu cầu các chỉ tiêu cụ thể của Chương trình phải bảo đảm tính khả thi, định lượng được kết quả thực hiện, gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Liên quan đến việc phân bổ nguồn lực kinh phí, qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị cần cân đối để tăng nguồn vốn cho chương trình, cơ cấu và phân bổ nguồn vốn phù hợp, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên nguồn lực, huy động hợp lý với các địa bàn đặc biệt khó khăn…
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể vốn ngân sách Trung ương (bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), vốn ngân sách địa phương, vốn huy động hợp pháp khác và giao Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả và khả thi.
Nguồn vốn thực hiện Chương trình được quy định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ sau khi đã cân đối ngân sách và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng đã dành 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho Chương trình.
Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn