Trau dồi và phát triển kỹ năng cá nhân là yếu tố hết sức cần thiết và ngày càng được coi trọng với mỗi chúng ta. Đây được coi là bản lề giúp bạn mở cánh cửa của tương lai, với sự chủ động trong lựa chọn công việc nói riêng và sự tự tin làm chủ cuộc sống nói chung.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ giúp con người tối ưu hóa thời gian và tăng tốc độ xử lý công việc, từ những ứng dụng quản lý thời gian trực tuyến được tải và cài trên điện thoại, máy tính cá nhân một cách dễ dàng, đến những tài liệu, sách báo truyền thống với những chỉ dẫn và lời khuyên về cách sắp xếp giải quyết công việc sao cho đạt hiệu suất cao nhất. Nhưng tất cả phương tiện, công cụ kia dù ưu việt đến mấy, sẽ không hữu dụng nếu chúng ta bỏ qua sự tôn trọng giới hạn của bộ não con người, vì hiệu quả thực hiện chúng ta thực tế lphụ thuộc rất nhiều vào tư duy và thói quen hàng ngày được điều khiển bởi bộ não ấy.
Vì vậy, thiết lập tư duy đúng đắn và luyện tập kỹ năng với tần số liên tục để bộ não thích nghi và biến những hành vi tốt trở thành "bản năng thứ nhì" chính là chìa khóa để chúng ta đạt được hiệu suất trong công việc và cuộc sống. Điều này được hai tác giả Tiến sĩ Jason Selk và Tom Bartow vạch rõ trong cuốn sách Kiến tạo tương lai của chính bạn.
Với cuốn sách này, tác giả vạch ra 8 cách thay đổi thói quen để tối ưu hóa hiệu suất trong công việc và cuộc sống. 8 kỹ năng đơn giản này là:
Hoạch định ngày mai ngay hôm nay: Luôn lên kế hoạch cho công việc và cuộc sống mỗi ngày. Viết chúng ra giấy thay vì gõ bằng máy tính hay lưu trên điện thoại.
Lựa chọn sáng suốt: Dù là công việc hay cuộc sống, đừng ôm đồm muốn làm xong tất thảy mọi việc. Hãy tập đặt ra thứ tự ưu tiên từng việc và chọn ra "3 việc quan trọng/1 việc bắt buộc phải làm" trong ngày và chỉ tập trung hoàn thành việc quan trọng nhất cho xong rồi mới chuyển sang việc khác.
Tối đa hóa thời gian: Tận dụng mọi khoảng thời gian dù là nhỏ nhất để giải quyết một công việc cụ thể hoặc thực hiện một hành động thể hiện sự quan tâm tới người bạn yêu thương (cha mẹ, bạn đời, con cái, bạn bè, đồng nghiệp...).
Vượt qua đấu tranh nội tâm: Không nản chí trước khó khăn, không bị chi phối bởi yếu tố bên ngoài, kiên trì làm xong việc mới thôi.
Đánh giá đúng đắn: Học cách đánh giá kết quả và năng lực bản thân, từ đó tìm ra điều chính và phương pháp thích hợp với từng sự việc.
Độc thoại tích cực: Tập cho mình khả năng động viên khích lệ tinh thần của bản thân thay vì chờ đợi sự kích lệ bị động từ bên ngoài.
Giao tiếp hiệu quả: Tập luyện khả năng truyền đạt những suy nghĩ tới mọi người, vì bạn không sống một mình mà đang sống trong một cộng đồng, do vậy việc bạn truyền đạt hiệu quả suy nghĩ của mình sẽ giúp công việc và cuộc sống của bạn được cải thiện không ngừng.
Trở nên phi thường: Nếu đã thành thạo 7 kỹ năng trên thì dù gặp khó khăn gì, thì bạn cũng sẽ đương đầu được, khi đó, bạn đã trở nên phi thường chứ không phải gồng mình để thành người phi thường.
Theo nhóm tác giả, sở dĩ cuốn sách được đặt tên là Kiến tạo tương lai của chính bạn vì họ quan niệm rằng tương lai của chúng ta không phải là một thứ gì đó xa xôi, khó hình dung mà thực chất là kết quả của những hành vi và sự nỗ lực nhỏ nhất mỗi ngày, và nó được biểu hiện thông qua sự tư duy và những thói quen nhỏ.
Muốn kiến tạo một ngày mai tốt đẹp, không gì hơn là hãy thực hành cải thiện ngay từ hôm nay. Dù bạn là một người trẻ mới khởi đầu sự nghiệp cần lựa chọn hướng đi; hay đã là một người làm việc lâu năm cần tăng tốc bứt phá; hoặc một người bận rộn muốn đổi mới cuộc sống của mình theo hướng tích cực thì những quy tắc này cũng đều đúng đắn và phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn