Tiến sĩ Chen Yufei đang làm việc tại Khoa Sức khỏe sinh sản thuộc Phòng khám Y học cổ truyền Gang En (Trung Quốc). Theo bà, tử cung lạnh thực chất là một vấn đề sức khỏe phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại được ít chị em quan tâm. Ví dụ như gây khó chịu về thể chất - nhất là trong kỳ kinh nguyệt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, giảm khả năng thụ thai và tăng nguy cơ hiếm muộn, vô sinh.
“Tên gọi của tình trạng này xuất phát từ Y học cổ truyền, hiểu theo cách đơn giản nó chỉ tình trạng năng lượng dương không thể làm ấm cơ thể, nhất là tử cung. Điều này khiến mạch máu tử cung co thắt lại, khiến tử cung thiếu máu nuôi, niêm mạc tử cung thiếu độ ẩm, lớp lót tử cung không đáp ứng thích hợp với hormone dương hay progesterone. Từ đó những hoạt động ở tử cung khó có thể diễn ra thuận lợi, gây khó rụng trứng và thụ thai thành công. Dần dần diễn tiến đến hiếm muộn, thậm chí là vô sinh ở nữ giới” - Tiến sĩ Chen giải thích.
Cũng theo Tiến sĩ Chen, chìa khóa của việc cải thiện tình trạng tử cung lạnh nằm ở phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu của lạnh tử cung đôi khi không rõ ràng và dễ bị hiểu lầm với rối loạn nhẹ/bệnh vặt khác, thậm chí phát hiện ra nhưng vẫn bị xem nhẹ. Đặc biệt, bà nhấn mạnh rằng những triệu chứng của tình trạng này sẽ rõ ràng nhất vào những ngày hành kinh.
Tình trạng tử cung lạnh không chỉ gây khó chịu mà còn khiến chị em dễ hiếm muộn, vô sinh (Ảnh minh họa)
Có 8 triệu chứng phổ biến nhất của chứng tử cung lạnh được Tiến sĩ Chen lưu ý sau đây:
- Thường xuyên cảm thấy trướng bụng, nhất là vùng bụng dưới.
- Đau bụng kinh nhiều và cảm thấy đỡ hơn khi được làm ấm vùng bụng.
- Rối loạn kinh nguyệt như chu kỳ không đều, phổ biến hơn là chậm kinh và chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh, có thể vô kinh đột ngột.
- Những bất thường về máu kinh như: lượng máu kinh giảm mạnh, máu kinh có nhiều cục máu đông hoặc có màu sẫm.
- Cơ thể trở nên chịu lạnh kém hơn hẳn, nhất là bụng và tay chân lạnh.
- Dễ mệt mỏi và đau lưng, có triệu chứng suy giáp.
- Tăng tần suất tiểu đêm, chán ăn, ăn mất ngon, tiêu chảy, đau bụng bất thường mà không hề liên quan tới thực phẩm. Thường chỉ xảy ra vào những ngày gần hoặc trong kỳ kinh, sau đó có thể tự thuyên giảm hoặc biến mất.
- Hay xảy ra hiện tượng dọa sảy, sảy thai ở những phụ nữ mang thai có tình trạng tử cung lạnh. Nghiêm trọng hơn là vô sinh, hiếm muộn khó tìm ra lý do cụ thể ngay lần thăm khám đầu tiên.
Đầu tiên, cần phải hiểu rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tử cung lạnh. Vì vậy, để khắc phục nó, chị em phụ nữ cũng cần cố gắng kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, có 4 việc nhất định phải làm đó là:
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Nên tránh xa đồ ăn lạnh, đồ sống trong những ngày hành kinh để bảo vệ tử cung (Ảnh minh họa)
“Điều quan trọng nhất trong việc ăn uống thế nào để phòng và chữa tử cung lạnh là hạn chế đồ uống lạnh, đồ sống vì chúng có thể làm tổn thương tử cung. Nhất là trong những ngày có kinh nguyệt. Thay vào đó, hãy cố gắng xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Người có tử cung lạnh nên ăn các loại thức ăn, đồ uống nóng, ấm và có khả năng cung cấp nhiệt cho cơ thể như: trà gừng, trà cam quế, các loại trà nóng… nhiều hơn, nhất là vào gần và trong khi hành kinh” - Tiến sĩ Chen nhắc nhở.
Chú trọng giữ ấm
Theo Tiến sĩ Chen, chị em cần chú trọng bảo vệ tử cung của mình ngay cả khi đang khỏe mạnh. Ví dụ như luôn mặc đủ ấm vào mùa đông, ngay cả mùa hè cũng không lạm dụng máy lạnh hay mặc đồ hở vùng bụng nhiều. Khi gặp mưa cần phải tắm rửa, thay quần áo và sấy tóc ngay để không bị nhiễm lạnh. Dùng khăn ấm chườm bụng, lưng để có thể trở nên ấm hơn, đặc biệt là trong thời kỳ đang có kinh nguyệt.
Tăng cường lưu thông khí huyết, thải độc cơ thể
Tiến sĩ Chen nói: “Tình trạng tử cung lạnh chủ yếu liên quan tới khí huyết nên muốn cải thiện nó cũng cần chú trọng tới điều này”. Bà đưa ra một số phương pháp chị em có thể tự thực hiện tại nhà một các đơn giản. Ví dụ như dành thời gian ngâm chân với nước nóng từ 15 - 20 phút mỗi ngày, sau đó lau chân thật khô để không bị nhiễm lạnh. Massage ở huyệt Tam âm giao (ở vị trí từ đỉnh mắt cá trong đi lên khoảng 4 khoát ngón tay) có thể làm ấm cơ thể, hạn chế lạnh tử cung. Hay tập các bài tập thể dục như khí công, thái cực quyền để giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn.
Tránh một số việc trong kỳ kinh nguyệt
Như đã nói, khi hành kinh chính là lúc tử cung trở nên yếu, nhạy cảm nhất và cũng bộc lộ rõ nhất tình trạng tử cung lạnh nếu có. Vì vậy, chị em cũng cần lưu ý nhiều hơn trong giai đoạn này.
Chú trọng giữ ấm, tăng cường lưu thông khí huyết giúp chị em cải thiện chứng tử cung lạnh (Ảnh minh họa)
Bên cạnh tránh ăn đồ lạnh, đồ sống, chú trọng giữ ấm cơ thể thì Tiến sĩ Chen còn nhắc nhở chị em nên uống nhiều nước hơn, nhất là nước ấm hoặc trà thảo mộc. Tránh để mắc mưa, tắm muộn hoặc quá lâu, ngâm bồn quá lâu, không nên tắm nước lạnh và đặc biệt là không đi bơi hay tắm suối - ngay cả suối nước nóng. Cũng cần đi ngủ sớm hơn, ngủ đủ giấc và cố gắng thức dậy sớm hơn. Đặc biệt, cần tránh thức khuya và tức giận trong kỳ kinh nguyệt để bảo vệ tử cung. Hãy vệ sinh vùng kín đúng cách và không cần rửa quá nhiều lần, lạm dụng hóa chất.
Cuối cùng, ông khuyên chị em nên khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện những bất thường về hệ sinh sản cũng như tử cung nói riêng. Đừng xem nhẹ chứng tử cung lạnh vì hậu quả của nó tới sức khỏe sinh sản và tốc độ lão hóa của phụ nữ là rất nặng nề.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn