Biết động lực
Một trong những vấn đề lớn nhất khi đọc chính là động lực đằng sau đó. Việc đọc sẽ trở nên không ích lợi gì khi bạn thực sự không quan tâm đến vấn đề đó hoặc nó sẽ không trở nên hữu ích trong tương lai của bạn. Đây là một trong những lý do chính khiến mọi người không thích đọc sách và dừng lại khi học xong.
Khi bạn thích chủ đề mà bạn đang tìm hiểu, bạn có nhiều khả năng chủ động đọc nó hơn, tập trung hơn và dễ nhớ hơn.
Vì vậy, hãy tìm hiểu lý do bạn đọc cuốn sách là gì: Để có thông tin bạn cần cho bài kiểm tra?
Vì bạn thích đọc sách và muốn thư giãn? Vì bạn muốn hiểu rõ hơn về điều gì đó? Để trở thành một chuyên gia trong một chủ đề nhất định?
Bạn cần tự hỏi mình những điều này mỗi khi chọn sách. Nó cũng sẽ giúp bạn xác định thông tin chính mà bạn có thể lấy ra từ cuốn sách.
Kết nối với thứ bạn đã biết
Một cách tuyệt vời để bạn nhớ những gì đang đọc là kết nối thông tin với thứ bạn đã biết. Hãy tìm kiếm những điểm tương đồng hoặc những cách mà điều bạn học có thể được sử dụng ở nơi khác,
Ví dụ: Có một số loại thực phẩm trông giống như các bộ phận của cơ thể mà chúng rất tốt cho chính bộ phận đó. Nếu bạn nhận thấy quả óc chó trông giống như bộ não, bạn sẽ nhớ rằng nó có lợi cho não bộ.
Hãy thử tạo các kết nối thần kinh này ở bất cứ nơi nào bạn học và xem, như khi đang ghép các mảnh khớp lại với nhau. Bạn hoàn toàn có thể nghĩ ra những phương pháp ghi nhớ riêng của mình để xâu chuỗi những điều cần nhớ.
Đọc sách in thay vì sách điện tử
Thời đại công nghệ phát triển, sách điện tử ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Nhiều người cho rằng vì sao cần phải tốn tiền cho những cuốn sách in trong khi hoàn toàn có thể đọc phiên bản điện tử ở bất cứ nơi nào. Tất nhiên, bất kỳ kiểu đọc nào, dù là đọc trên điện thoại hay trên sách in đều tốt cả nhưng để nói đến việc ghi nhớ tốt hơn những gì bạn đọc, sách in chính là câu trả lời.
Đó là bởi giờ đây có rất nhiều thứ bạn sử dụng trên internet dễ “gây nghiện” như thông báo trên mạng xã hội, các trò chơi và thậm chí cả cách hiển thị quảng cáo… Vì thế nên chúng ta dễ lướt từ thứ này đến thứ khác và khó ghi nhớ những thông tin mình đã đọc. Có nhiều nghiên cứu cho thấy việc lưu giữ và nhớ lại thông tin à bạn đã đọc trên mạng khó thực hiện hơn. Có thể có nhiều lý do khác nhau cho điều này nhưng một giả thuyết trong đó là việc lật trang sẽ giúp hình thành trí nhớ. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào bạn, do đó hãy sử dụng phương pháp phù hợp với bạn nhất!
Đọc tóm tắt
Đọc lướt là một kỹ thuật mà khi đó bạn sẽ lướt nhanh qua các từ có trên trang, chủ động bỏ qua phần lớn nội dung và chỉ tập trung vào những phần quan trọng nhất. Hãy tìm kiếm những ý tưởng chính, sự kiện, số liệu và bất cứ thứ gì khác mà bạn nghĩ là quan trọng.
Đây là một mẹo hữu ích khi bạn đọc sách giáo khoa ở trường. Bạn có thể xem từng phần riêng lẻ, tiêu đề và bất kỳ thứ gì được đánh dấu. Một trong những điều hữu ích nhất chính là các câu hỏi ở cuối trang hầu hết các cuốn sách giáo khoa.
Bằng cách đọc lướt trước khi bạn đọc toàn bộ nội dung, não bộ của bạn sẽ dễ ghi nhớ những phần quan trọng nhất cũng như nhanh chóng xác định được các khái niệm chính.
Tìm hiểu về chủ đề đó không chỉ bằng sách
Khi nói đến việc nghiên cứu một chủ đề, cho dù đó là phục vụ cho kỳ thi của bạn hay công việc của bạn, việc đọc đi đọc lại cùng một cuốn sách có thể trở nên rất nhàm chán. Nếu bạn không hiểu điều gì đó trong vài lần đầu tiên, bạn khó có thể mong đợi sự khác biệt.
Sự thật là có rất nhiều cuốn sách cũng như tài liệu khác nói về cùng chủ đề mà bạn quan tâm. Vì vậy, nếu bạn đang đấu tranh để “tiêu hóa” thông tin trong cuốn sách khó nhằn, một gợi ý cho bạn chính là tìm kiếm các cuốn sách khác có cùng nội dung, không nhất thiết là sách mà có thể là thông qua việc nghe podcast, xem phim tài liệu… để có kiến thức rộng hơn về chủ đề này.
Ghi chú
Khi còn nhỏ, bạn có thể được dạy rằng viết vào sách là điều không nên và bạn có thể gặp rắc rối nghiêm trọng nếu làm vậy. Nhưng trên thực tế, đó là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm.
Viết vào những cuốn sách đang đọc là một trong những thói quen phổ biến của những người giàu có và thành công. Kỹ thuật này được gọi là Marginalia, nghĩa là bạn viết chú thích, suy nghĩ và nhận xét của bạn vào bên lề cuốn sách của bạn.
Các ghi chép sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong việc ghi nhớ những gì đã đọc bởi bạn có thể ghi dấu ấn của riêng mình vào những gì cuốn sách đó nói. Điều bạn đang làm thực tế là biến thông tin thành kiến thức.
Khi bạn đã hoàn thành một chương, hãy thử tóm tắt chương đó lại thành ba hoặc bốn câu, nghĩ về những gì bạn đã học được, những gì bạn rút ra được từ đó và cách bạn có thể áp dụng vào cuộc sống của mình.
Sử dụng kỹ thuật Feynman
Kỹ thuật Feynman, được đặt theo tên nhà vật lý Richard Feynman, là một phương pháp thực hành được sử dụng để giúp bạn học và hiểu đầy đủ về chủ đề mình quan tâm. Đây là cách để bạn biết từng chi tiết đơn lẻ mà không cần phải phức tạp hóa nó. Nhớ rằng, “nếu bạn không thể giải thích nó một cách đơn giản, bạn không thực sự hiểu vấn đề.”
Dưới đây là các bước:
Tìm hiểu chủ đề.
Giải thích chủ đề cho người khác (hãy tưởng tượng bạn đang dạy một đứa trẻ).
Không sử dụng các từ phức tạp.
Nếu bạn thấy chưa hiệu quả, hãy tìm hiểu lại chủ đề và lặp lại các bước.
Việc đọc sẽ hiệu quả hơn khi bạn gắn nó với hành động. Nếu bạn đang đọc một cuốn sách nấu ăn, hãy thử một trong những công thức nấu ăn đó; nếu bạn đọc một cuốn sách kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc khởi nghiệp.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi sau khi đọc cũng giống như việc bạn nhấn nút lưu trữ trong não của mình. Điều này sẽ giúp kết nối thông tin với ký ức của bạn, đào sâu hình thành ký ức. Hãy dành một chút thời gian giữa mỗi trang để thực sự suy nghĩ xem điều này sẽ giúp ích thế nào cho bạn và đảm bảo rằng mình có một đêm ngon giấc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn