Gần đây, truyền thông Trung Quốc đưa tin về trường hợp "8 người trong một gia đình bị ung thư". Thông tin này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân.
Cô Luo, 36 tuổi, đến từ Chiết Giang, vừa sinh con thứ hai và được chẩn đoán mắc bệnh "ung thư tuyến giáp không phân biệt".
Sau khi hỏi về tiền sử gia đình, bác sĩ bất ngờ khi biết trong gia đình cô có không ít thành viên cũng bị ung thư. Cụ thể, bà nội của cô Luo qua đời sớm vì ung thư, cha cô cũng bị bốn loại ung thư, anh trai bị ung thư hạch, hai cô của Luo bị ung thư vú, một người chú cũng có tiền sử ung thư gan... Tính ra, có tới 8 người trong gia đình cô Luo bị ung thư.
Sau đó, bệnh viện Ung bướu tỉnh Chiết Giang đã tiến hành xét nghiệm di truyền cho 18 người trong gia đình cô Luo. Cuối cùng, họ được chẩn đoán là mắc "hội chứng Li-Fraumeni" (hội chứng ung thư di truyền - LFS).
Hội chứng Li-Fraumeni (Li-Fraumeni Syndrome, LFS) là hội chứng ung thư di truyền lần đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 bởi tiến sĩ Frederick Li và Joseph Fraumeni từ Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Điều thu hút sự chú ý của họ đó là: Một loạt các bệnh ung thư được tìm thấy trong các gia đình mắc bệnh; nguy cơ mắc ung thư di truyền cao ở nhiều thế hệ; và độ tuổi chẩn đoán phát hiện ung thư khá sớm (gần một nửa số người bị ảnh hưởng đã phát hiện ung thư trước 30 tuổi).
Chúng ta thường nghe nói về trưởng hợp một số thành viên gia đình bị ung thư cùng một lúc. Đây có phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Ung thư có thực sự di truyền trong gia đình không?
Trong thực tế, "di truyền gia đình" là một đặc điểm của ung thư. Nếu ai đó được phát hiện mắc bệnh ung thư, các thành viên khác trong gia đình phải chú ý.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI), ung thư là một bệnh di truyền, có nghĩa là những thay đổi đối với gen của một người có thể dẫn đến ung thư. Ung thư di truyền chiếm khoảng 5-20% của tất cả các bệnh ung thư.
Do đó, một số người có tiền sử gia đình bị ung thư có khả năng bị ung thư cao hơn nhiều so với những người khác. Điều này được xác định bởi hai lý do.
Thứ nhất, một số khối u ác tính có tính di truyền. Một khi người thân có quan hệ huyết thống trong nhà được phát hiện mắc bệnh thì xác suất các thành viên trong gia đình mắc các bệnh như vậy sẽ lớn hơn nhiều so với những người khác.
Thứ hai, sống trong cùng một gia đình, thói quen ăn uống và môi trường sống của các thành viên trong gia đình tương tự. Điều này cũng dẫn đến sự xuất hiện của khối u ác tính.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia đã liên kết các đột biến gen với hơn 50 hội chứng ung thư di truyền. Những hội chứng này có thể khiến một người có nhiều khả năng phát triển một số loại ung thư.
Đầu tiên, ung thư vú
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ sau ung thư da. Theo NCI, ung thư vú có xu hướng di truyền, đặc biệt là đối với các thành viên trong gia đình trực tiếp. Thông thường, nếu người mẹ được phát hiện mắc bệnh ung thư vú, con gái có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 đến 3 lần so với những người phụ nữ khác.
Thứ hai, ung thư đại trực tràng
30% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có đặc điểm tiền sử gia đình, trong khi 10% trong số đó là di truyền. Nếu có ít nhất hai trường hợp trong gia đình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết, một trong số đó là ung thư đại trực tràng, thì những người còn lại cũng có nguy cơ cao.
Theo NCI, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối tổng thể đối với ung thư ruột kết là 63%, đối với ung thư đại trực tràng, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 67%.
Các bệnh ung thư khác có thể là do di truyền bao gồm:
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư nội mạc tử cung
- Ung thư dạ dày
- Khối u ác tính (ung thư da)
Ba yếu tố chính ảnh hưởng đến ung thư là môi trường, di truyền và thói quen sinh hoạt. Theo khuyến nghị của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, chúng ta khó có thể thay đổi các yếu tố môi trường và di truyền, nhưng có thể bắt đầu bằng cách thay đổi thói quen xấu để ngăn ngừa ung thư. Những việc mà bất kì ai cũng có thể làm để phòng bệnh bao gồm:
1. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm béo phì vì tỷ lệ chất béo trong cơ thể quá cao là nguyên nhân gây ra nhiều khối u.
2. Tập thể dục nhiều hơn có thể ngăn ngừa tăng cân, từ đó cũng có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của nhiều bệnh ung thư.
3. Ăn nhiều rau và trái cây tươi, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là những người thường hiếm khi ăn loại thực phẩm này.
4. Ăn ít thực phẩm giàu đường, tinh bột và chất béo cao.
5. Uống ít đồ uống có ga và đồ uống có đường.
6. Không uống rượu, đặc biệt là không uống quá nhiều cùng một lúc hoặc uống rượu lâu dài.
7. Nếu sức khỏe tốt, không dùng bổ sung dinh dưỡng bổ sung.
Một khi có thành viên trong gia đình phát hiện mắc ung thư, các thành viên còn lại cần phải hết sức chú ý. Bên cạnh việc thay đổi thói quen sống, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có cần phải làm một số xét nghiệm cụ thể, đánh giá nguy cơ ung thư hay không. Hàng năn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, việc tầm soát ung thư cũng nên làm sớm hơn những người bình thường.
Chỉ có làm tốt việc "phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị sớm", thì mới tránh xa rất nhiều yếu tố gây ung thư, mới có thể có thêm phần thắng lợi.
(Theo: Sohu, Medicalnewstoday, NIH)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn