8 nguyên nhân gây đau ngực không phải do đau tim

11:01 | 22/02/2024;
Từ chứng ợ nóng đến viêm tụy, những tình trạng gây đau ngực này có nhiều mức độ từ vô hại đến nguy hiểm.

Nhiều người thường đánh đồng và nhầm lẫn giữa cơn đau ngực với cơn đau tim nhưng có rất nhiều nguyên nhân gây đau ngực. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau ngực phổ biến và dấu hiệu cho thấy bạn cần thăm khám bác sĩ sớm.

1. Căng cơ ngực

Khi cơ ngực bị căng, chúng có thể gây ra cảm giác đau và khó chịu. Cơ ngực bị căng có thể gây đau do việc sử dụng quá sức, chấn thương khi tập thể dục hoặc do tư thế ngồi không đúng. Đôi khi, cảm giác đau cũng có thể lan ra cánh tay hoặc lên vai do các cơ liên quan chặt chẽ với nhau.

Nếu cảm giác đau kéo dài hoặc nghiêm trọng, nên thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra và điều trị phù hợp.

Bạn có thể phân biệt được sự khác biệt giữa cơn đau tim và tình trạng căng cơ ngực bằng cách ấn vào thành ngực. Cơn đau của bạn có nhiều khả năng là một chấn thương hơn là các vấn đề về tim nếu vùng ấn có cảm giác đau.

8 nguyên nhân gây đau ngực không phải do đau tim- Ảnh 1.

Khi cơ ngực bị căng, chúng có thể gây ra cảm giác đau và khó chịu (Ảnh: Internet)

2. Chứng ợ nóng

Trào ngược là hiện tượng tương đối phổ biến và ít nghiêm trọng nếu chỉ thình thoảng xảy ra. Bạn có thể bị trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) nếu bị trào ngược nhiều hơn một lần mỗi tuần.

Ợ nóng được mô tả là cảm giác nóng rát ở thực quản, xảy ra khi các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản của bạn. Nói cách khác, khi ợ nóng xảy ra, axit dạ dày trào ngược lên thực quản và gây kích ứng niêm mạc. Sự kích ứng này có thể gây ra cảm giác đau rát hoặc nóng ở vùng ngực, thường được mô tả là đau ngực giống như bị bóp nghẹt hoặc áp lực. Đau do ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn và có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn nằm xuống hoặc cúi người.

Các triệu chứng trào ngược dạ dày - thực quản khác bao gồm: đau ngực, ho kéo dài, khàn tiếng, buồn nôn, nuốt đau, khó nuốt.

3. Viêm màng ngoài tim

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm màng ngoài tim hoặc các lớp mô xung quanh tim của bạn. Đau nhói ở bên trái hoặc phần trước của ngực là một trong những triệu chứng viêm màng ngoài tim phổ biến nhất. Cơn đau có thể xảy ra ở bụng, lưng, cổ hoặc vai.

Cơn đau có thể dữ dội hơn khi thở sâu, ho, nằm hoặc nuốt. Ngược lại, cơn đau có thể cải thiện khi nghiêng người về phía trước khi ngồi dậy. Các triệu chứng viêm màng ngoài tim khác có thể gặp bao gồm: cảm giác khó chịu, ớn lạnh, ho khan, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi, mắt cá chân/bàn chân/cẳng chân bị sưng, khó thở khi nằm.

8 nguyên nhân gây đau ngực không phải do đau tim- Ảnh 2.

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm màng ngoài tim hoặc các lớp mô xung quanh tim của bạn (Ảnh: Internet)

Theo Health, để điều trị viêm màng ngoài tim, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc giảm đau liều cao, chẳng hạn như ibuprofen và colchicine. Giống như ibuprofen, colchicine là thuốc giảm đau, giảm viêm và tiêu sưng. Bệnh nhân có thể cần thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc chống nấm nếu nhiễm trùng gây ra viêm màng ngoài tim. Các phương pháp điều trị khác có thể bao gồm dẫn lưu dịch từ màng ngoài tim và phẫu thuật.

4. Đau ngực kiểu màng phổi (Pleuritic Chest Pain)

Đau ngực có thể liên quan đến phổi và dễ dàng bị nhầm lẫn là cơn đau do tim vì tim và phổi đều nằm trong lồng ngực.

Đau ngực kiểu màng phổi là tình trạng đau ngực liên quan đến viêm màng phổi (lớp màng bao quanh phổi của bạn). Cơn đau thường xuất hiện khi hít thở sâu, khi ho và cảm giác được mô tả như bị bỏng rát, đau nhói hoặc như bị đâm.

Các nhiễm trùng như viêm phổi, thuyên tắc phổi, ung thư, lupus, viêm khớp dạng thấp đều có thể là nguyên nhân hoặc làm tăng nguy cơ bị đau ngực kiểu màng phổi. Mặc dù đau ngực do viêm màng phổi không báo hiệu một cơn đau tim. Tuy nhiên, đau ngực do viêm màng phổi có thể rất nghiêm trọng (chẳng hạn thuyên tắc phổi không điều trị có thể đe dọa tính mạng), vì vậy việc thăm khám bác sĩ là rất cần thiết khi phát hiện các triệu chứng sức khỏe bất thường.

5. Bệnh zona thần kinh

Virus gây bệnh thủy đậu nằm yên trong các tế bào thần kinh của bạn lâu sau khi các nốt phát ban biến mất. Bệnh zona thần kinh xảy ra khi virus varicella-zoster (VZV) gây bệnh thủy đậu tái hoạt động, thường là ở những người lớn hơn 50 tuổi.

8 nguyên nhân gây đau ngực không phải do đau tim- Ảnh 3.

Phát ban ở bệnh zona thần kinh (Ảnh: Internet)

Một số triệu chứng đầu tiên của bệnh zona bao gồm đau, ngứa hoặc cảm giác kiến bò. Thông thường, phát ban xuất hiện vài ngày sau, theo sau là bóng nước.

Trước khi phát ban xuất hiện, khi zona thần kinh ảnh hưởng đến khu vực ngực, nó có thể gây ra các cơn đau nhức, châm chích hoặc cảm giác bỏng rát dọc theo đường đi của dây thần kinh. Vùng da trên ngực cũng có thể bị phát ban, đỏ và phồng rộp. Cơn đau do zona thường đặc trưng bởi đau đớn dữ dội và có thể kéo dài cả khi phát ban đã lành.

6. Viêm sụn sườn (viêm khớp sụn sườn)

Cảm giác đau ngực do viêm sụn sườn thường là đau âm ỉ hoặc nhói, có thể tăng lên khi bạn thở sâu, ho, cử động hoặc chạm/ấn vào khu vực bị ảnh hưởng. Đau thường tập trung ở phần trước của ngực và có thể lan ra cả vùng lưng hoặc cánh tay.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất của viêm sụn sườn bao gồm:

- Viêm khớp

- Chấn thương ngực

- Nâng vác vật nặng

- Căng cơ khi ho

- Tập thể dục cường độ mạnh

- Nhiễm trùng do virus.

Thuốc giảm đau không kê đơn và chườm lạnh hoặc chườm nóng có thể giúp điều trị viêm sụn sườn. Thông thường, cơn đau sẽ biến mất trong vài ngày hoặc vài tuần.

7. Viêm tụy

Viêm tụy thường gây đau ở phần bụng trên và đau có thể lan ra lưng hoặc lan lên ngực và gây đau ngực dù hiếm gặp. Nguyên nhân được giải thích là do sự kích thích dây thần kinh chung quanh tụy và khu vực lân cận. Cơn đau này có thể tăng lên sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.

Ngoài đau ngực, viêm tụy có thể gây ra các triệu chứng như: sốt, buồn nôn, rối loạn nhịp tim, bụng mềm hoặc chướng bụng, nôn mửa.

8 nguyên nhân gây đau ngực không phải do đau tim- Ảnh 4.

Viêm tụy thường gây đau ở phần bụng trên và đau có thể lan ra lưng hoặc lan lên ngực và gây đau ngực dù hiếm gặp (Ảnh: Internet)

Thông thường, viêm tụy xảy ra khi sỏi mật - hoặc những mảnh cholesterol cứng như sỏi - gây ra tình trạng viêm ở tuyến tụy. Phụ nữ có nhiều khả năng bị viêm tụy hơn so với nam giới.

8. Cơn hoảng loạn (Panic Attack)

Cơn hoảng loạn có thể gây ra cảm giác đau ngực do sự co thắt của cơ ngực trong trạng thái căng thẳng hoặc lo âu cấp tính. Đau ngực trong cơn hoảng loạn thường được mô tả là đau như bị đâm, bóp nghẹt hoặc áp lực. Cảm giác đau thường kèm theo các triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, khó thở, cảm giác nghẹt thở, chóng mặt và sợ hãi mạnh mẽ như tận thế.

Mặc dù rất khó chịu và đáng sợ, nhưng đau ngực do hoảng loạn không phải là dấu hiệu của một vấn đề tim mạch và thường không nguy hiểm như đau tim. Tuy nhiên, mọi cơn đau ngực đều cần được đánh giá bởi bác sĩ để loại trừ các nguyên nhân khác nghiêm trọng hơn.

Khi nào đau ngực cần thăm khám bác sĩ?

Cơn đau tim không phải lúc nào cũng là nguyên nhân gây đau ngực. Một số nguyên nhân gây đau ngực có thể nhẹ như ợ nóng, trong khi những nguyên nhân khác có thể nghiêm trọng như viêm tụy.

Tuy nhiên, điều cần thiết là phải tham khảo ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn bị đau ngực. Họ có thể xác định xem cơn đau ngực của bạn là đau thắt ngực, đau tim hay bệnh gì khác. Đặc biệt nếu tình trạng đau ngực của bạn kéo dài từ 3 - 5 ngày hoặc kèm theo các triệu chứng khác như ho có đờm màu vàng, xanh, sốt, khó nuốt.

Hơn nữa, đừng bỏ qua cơn đau ngực nếu bạn trải qua bất kì dấu hiệu nào dưới đây và hãy gọi cấp cứu ngay lập tức:

- Đau thắt ngực khi nghỉ hoặc cơn đau nghiêm trọng hơn bình thường

- Chóng mặt

- Buồn nôn

- Cơn đau lan đến hàm, cánh tay trái hoặc giữa hai vai

- Tim đập loạn lên

- Cảm giác như đột ngột bị siết hay ép chặt ngực

- Đổ mồ hôi

- Khó thở.

Các triệu chứng khác cũng cần chú ý bao gồm đau ngực đột ngột, dữ dội sau thời gian nghỉ ngơi và sưng chân. Những triệu chứng đó có thể báo hiệu tắc mạch phổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn